Bản đồ định hướng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo)

Bản đồ định hướng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 8/8 để xin ý kiến góp ý.

Ngày 8/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xin ý kiến góp ý.

Về nguyên tắc định hướng sử dụng đất, dự thảo đưa ra các nguyên tắc gồm bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh; bảo vệ, quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

Bố trí quỹ đất bảo đảm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối liên vùng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững;

Bảo đảm quỹ đất cho các chương trình, dự án đã có kế hoạch bố trí vốn đầu tư công; quỹ đất cho các địa phương có khả năng thu hút vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài; phù hợp với kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, đặc biệt là sử dụng đất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Dự thảo cũng đưa ra định hướng sử dụng đất theo vùng và các chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu kinh tế, đất đô thị, đất phát triển cơ sở hạ tầng.

Như đối với định hướng sử dụng đất khu công nghiệp, đến năm 2030 đất khu công nghiệp được định hướng có 210,93 nghìn ha (trong đó có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh...), tăng 120,1 nghìn ha so với năm 2020 tập trung tại các khu vực trọng điểm, các trục kinh tế ven biển, gắn kết với hạ tầng giao thông.

Trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí đã nêu, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 60%.

Đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng gồm vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 22,06 nghìn ha, chiếm 10,46% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 16,86 nghìn ha so với năm 2020; vùng Đồng bằng sông Hồng có 52,34 nghìn ha, chiếm 24,81% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 32,40 nghìn ha so với năm 2020;

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 44,94 nghìn ha, chiếm 21,31% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 27,87 nghìn ha so với năm 2020; vùng Tây Nguyên có 3,61 nghìn ha, chiếm 1,71% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 2,03 nghìn ha so với năm 2020;

Vùng Đông Nam Bộ có 59,86 nghìn ha, chiếm 28,38% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 25,58 nghìn ha so với năm 2020; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 28,12 nghìn ha, chiếm 13,33% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 15,36 nghìn ha so với năm 2020.

XEM CHI TIẾT VÀ TẢI VỀ Bản đồ định hướng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo). TẠI ĐÂY

chọn
[Photostory] Dự án vừa khởi công của MIK Group ở khu tây Hà Nội
The Solar Park - giai đoạn 2 của Imperial Smart City do MIK Group làm chủ đầu tư có quy mô hơn 2 ha. Tại đây sẽ xây dựng 5 toà tháp căn hộ cao 35 tầng.