Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/3): Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội, thông xe cầu vượt Dầu Giây tại Đồng Nai

Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, Đồng Nai thông xe cầu vượt Dầu Giây, dự kiến nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa vào năm 2023, duyệt quy hoạch khu đô thị và chợ quốc tế Bắc Giang hay gắn biển đặt tên cho các tuyến đường mới tại quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm,... là những thông tin quy hoạch nổi bật từ ngày 7 đến 13/3.

Lập quy hoạch Hà Nội 2021 - 2030 sẽ tận dụng lợi thế từ các dự án giao thông

Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2.

Mục tiêu lập quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/3): Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội, thông xe cầu vượt Dầu Giây tại Đồng Nai - Ảnh 1.

Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050….

Đồng Nai thông xe cầu vượt Dầu Giây sau nhiều năm lỡ hẹn

Sau nhiều lần trễ tiến độ, vào ngày 8/3, cầu vượt Dầu Giây - cửa ngõ chính ra vào TP HCM từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc qua địa phận tỉnh Đồng Nai vừa chính thức thông xe. Công trình nằm trong dự án nút giao thông Dầu Giây - ngã tư giao nhau giữa quốc lộ 1A, quốc lộ 20, đường ĐT 769.

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/3): Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội, thông xe cầu vượt Dầu Giây tại Đồng Nai - Ảnh 2.

Cầu vượt Dầu Giây chính thức thông xe vào 8/3. (Ảnh: VTV).

Cầu vượt Dầu Giây là hạng mục chính trong dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây, có thiết kế rộng 16 m, dài 350 m vượt qua ngã tư Dầu Giây. Dự án xây dựng nút giao ngã tư Dầu Giây do CTCP BT20-Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2017.

Theo kế hoạch, đến tháng 3/2018, công trình sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, như việc chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng bị chậm và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến dự án liên tục bị chậm tiến độ.

Việc thi công cầu vượt Dầu Giây kéo dài đã gây ra nhiều bức xúc không chỉ cho người dân địa phương nói riêng vì không thể làm ăn buôn bán, kẹt xe mà còn gây ra nhiều hệ lụy trở thành điểm đen về tai nạn giao thông mỗi khi lưu thông qua khu vực cầu.

Huyện Mê Linh kiến nghị đầu tư 5 tuyến đường

Tại cuộc họp với Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vào sáng 10/3, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết trên địa bàn đã hoàn thành một số tuyến đường quan trọng như đường 35, đường Chi Đông - Kim Hoa, đường từ khu trung tâm hành chính đi thị trấn Chi Đông,...

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/3): Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội, thông xe cầu vượt Dầu Giây tại Đồng Nai - Ảnh 3.

Đường từ trung tâm hành chính huyện Mê Linh đến trung tâm văn hóa thể thao huyện nối với đường Đại Thịnh, giao với quốc lộ 23 và hướng về KCN Quang Minh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục rà soát các dự án hạ tầng khung; đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư ba dự án lớn gồm đường quốc lộ 2 - cảng Chu Phan, đường Tiền Phong - Tự Lập, đường 48 m kết nối đường 36 Khu công nghiệp Quang Minh.

Huyện Mê Linh đã kiến nghị với thành phố điều chỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp Quang Minh II để thu hút các doanh nghiệp phát triển công nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy hoạch Khu Công nghiệp Tiến Thắng quy mô khoảng 400 - 500 ha để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao vào địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư 5 tuyến đường, gồm: Giai đoạn 2 dự án đường Tiền Phong - Tự Lập (kết nối với đường vành đai 4); tuyến đường Tiền Phong - Đại Mạch; giai đoạn 2 tuyến đường quốc lộ 23B đi cảng Chu Phan; đường từ khu Trung tâm thể thao huyện đến Đê Trung ương; đường nối từ đường Tiền Phong - Tự Lập tại ngã ba cổ ngựa xã Tiền Phong đến đường Võ Văn Kiệt.

TP HCM kêu gọi đầu tư vào 55 dự án 285.000 tỷ đồng tại huyện Hóc Môn và Củ Chi

Thông tin từ Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, đơn vị này sắp tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. 

Theo kế hoạch, sẽ có 55 dự án được mời gọi đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 285.000 tỷ đồng; tương đương 12,4 tỷ USD.

Các dự án bao gồm hạ tầng giao thông kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục – văn hóa, thể thao… 

Bên cạnh đó, dự kiến tại hội nghị sẽ diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ đầu tư gồm 16 dự án đăng ký với tổng giá trị 54.094 tỷ đồng.

Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa trong năm 2023

Ngày 8/3, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Vào tháng 1/2022, BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.

Dự thảo Kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa xác định mục tiêu tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý của chính quyền địa phương; gắn với việc mở rộng, thành lập đơn vị hành chính đô thị nhằm tăng tỷ lệ đô thị,...

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/3): Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội, thông xe cầu vượt Dầu Giây tại Đồng Nai - Ảnh 4.

Một góc TP Thanh Hóa. (Ảnh: baotintuc.vn).

Theo dự thảo Kế hoạch, việc sáp nhập có 10 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đề nghị công nhận hoặc rà soát, đánh giá TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I, rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các xã dự kiến thành lập phường; xây dựng đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ sẽ bắt đầu từ tháng 3/2022 cho đến khi hoàn thành và TP Thanh Hóa mới (sau khi nhập huyện Đông Sơn) chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới kể từ 0h ngày 1/7/2023.

Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi muốn lên thẳng thành phố

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch về xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021 - 2030, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

Theo đó, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố) trước năm 2025; các huyện Củ Chi và Cần Giờ lên quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn 2025 - 2030.

Trong khi các huyện hướng tới thành quận như Nhà Bè và Hóc Môn, ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi đều định hướng phát triển lên thành phố trong giai đoạn tới.

Năm 2022 sẽ hoàn thành 361 km cao tốc Bắc Nam

Sáng 9/3, tại phiên họp xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, giai đoạn 1 dự án đang triển khai tốt. Khâu giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, nguồn vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu. Khối lượng xây dựng tổng thể đạt hơn 30%.

Với giai đoạn 2, một tháng qua, ban quản lý dự án đã ký xong hợp đồng lựa chọn tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, xây dựng các khung chính sách. Đã có 4/12 địa phương đã lập Ban chỉ đạo, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Hiện giai đoạn 2 vẫn còn 8/12 địa phương chưa lập được Ban chỉ đạo và Hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư. Ông Thành khẳng định không lùi tiến độ tổng thể tuyến cao tốc Bắc Nam, năm 2024 phải hoàn thành 654 km cao tốc; năm 2022 hoàn thành 361 km, gồm các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Bắc Giang duyệt quy hoạch khu đô thị và chợ quốc tế 360 ha

Ngày 9/3, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị hỗn hợp và chợ quốc tế Bắc Giang (tỷ lệ 1/500).

khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang), xã Tiền Phong và xã Tân Liễu (huyện Yên Dũng). Ranh giới phía bắc giáp tuyến đường dẫn lên cầu Đồng Sơn và dân cư hiện trạng thôn Tân Mỹ, xã Đồng Sơn; phía nam giáp dân cư hiện trạng thôn Phấn Sơn và núi Nham Biền; phía đông giáp sông Thương và dân cư thôn Tân Độ, xã Tân Liễu; phía tây giáp tuyến đường dẫn lên cầu Đồng Sơn và dân cư xã Tiền Phong.

Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 360 ha. Đất ở mới có diện tích hơn 79 ha, xây dựng nhà ở cao tầng, nhà liền kề, sinh thái và nhà ở xã hội; đất công trình công cộng, dịch vụ đô thị hơn 15 ha; thương mại, dịch vụ hỗn hợp khoảng 56 ha, đất ở hiện trạng hơn 5 ha, đất cây xanh 62 ha và các loại đất khác.

Đây là khu đô thị hỗn hợp và chợ quốc tế Bắc Giang, bao gồm các chức năng chính như nhà ở, thương mại dịch vụ, công trình công cộng cấp đô thị, cấp đơn vị ở được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Có thể thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025

Chiều 10/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn tiếp theo.

Với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư các đoạn nói trên.

Bộ cũng kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công.

Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km, không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Thêm 13 tuyến đường có tên mới tại quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm

Sáng 12/3, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức lễ gắn biển đặt tên 4 tuyến đường mới trên địa bàn quận gồm: Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Bá Khoản, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thuộc phường Yên Hoà, Trung Hoà.

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (7-13/3): Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội, thông xe cầu vượt Dầu Giây tại Đồng Nai - Ảnh 5.

Quận Cầu Giấy. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trước đó hai ngày, quận Bắc Từ Liêm tổ chức lễ công bố quyết định và gắn biển tên, điều chỉnh độ dài 9 tuyến đường, phố trên địa bàn quận.

Cụ thể gồm đường Đống Ba, phố Kẻ Giàn, đường Xuân Tảo, phố Minh Tảo, phố Phúc Đam, phố Phúc Lý, đường Hoàng Minh Thảo, phố Chế Lan Viên và điều chỉnh độ dài phố Nguyễn Xuân Khoát.

Hiện nay, quận Bắc Từ Liêm có tổng số 67 tuyến đường, phố được đặt tên gồm: 35 tên phố, 32 tên đường với 19 tên danh nhân, 48 tên địa danh.

Ngành giao thông sẽ giải ngân thêm 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trong tháng 3

Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công hơn 50.300 tỷ đồng.

Tính đến nay, sau hai đợt giao chi tiết kế hoạch năm, Bộ Giao thông vận tải đã phân bổ gần 42.000 tỷ đồng (đạt 83,45%). Các dự án còn lại chưa được giao kế hoạch trung hạn và chưa phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Báo cáo của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cho thấy, tính đến tháng 2/2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 2.300 tỷ đồng, đạt 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,5% kế hoạch Bộ trưởng giao chi tiết.

Theo kế hoạch các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã đăng ký, trong tháng 3/2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân khoảng 3.500 tỷ đồng, tập trung ở các dự án lớn như: cao tốc Bắc - Nam khoảng 910 tỷ đồng; trả nợ dự án BT  La Sơn - Túy Loan 840 tỷ đồng, dự án cải tạo Quốc lộ 20 (dự án thành phần 1) là 450 tỷ đồng và các dự án quan trọng, cấp bách là 220 tỷ đồng.