Mục tiêu thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề xuất bố trí vốn để triển khai 171 km đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, thông toàn tuyến trong ba năm tới.

Chiều 10/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn tiếp theo.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, sau khi được điều chỉnh vẫn không thể thông tuyến vào năm 2020 và chưa biết đến khi nào mới hoàn thành.

Mục tiêu thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025 - Ảnh 1.

Đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km. (Ảnh: Invert Việt Nam).

Với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025  để đầu tư các đoạn nói trên.

Bộ cũng kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công; đề nghị giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 theo quy hoạch, phù hợp nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư.

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến theo yêu cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh còn lại 171 km của ba đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025, trong đó đề nghị Chính phủ bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành ba dự án nói trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chỉ rõ, Chính phủ cần tập trung vào những việc cụ thể cần làm để kết thúc dự án. Đặc biệt, sau 18 năm triển khai dự án, nhiều đoạn đường đã xuống cấp, nhất là đất nền yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do đó phải có kế hoạch trùng tu; khảo sát đặc điểm của từng vùng, đoạn đường để có kế hoạch triển khai cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần tách bạch đối với các dự án đã quy hoạch là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; một số đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông; chú trọng vào những đoạn chưa được đầu tư.

Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km, không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Trong đó, khu vực phía Bắc từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, đã hoàn thành 134 km, đã bố trí vốn và đang triển khai 23 km, chưa triển khai hai dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 116 km tổng mức đầu tư 6.974 tỷ đồng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.