Dự kiến sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa trong năm 2023

Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào, TP Thanh Hóa mới chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới kể từ 0h ngày 1/7/2023.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Vào tháng 1/2022, BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.

Dự thảo Kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa xác định mục tiêu tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý của chính quyền địa phương; gắn với việc mở rộng, thành lập đơn vị hành chính đô thị nhằm tăng tỷ lệ đô thị,...

Theo dự thảo Kế hoạch, việc sáp nhập có 10 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đề nghị công nhận hoặc rà soát, đánh giá TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I, rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các xã dự kiến thành lập phường; xây dựng đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ sẽ bắt đầu từ tháng 3/2022 cho đến khi hoàn thành và TP Thanh Hóa mới (sau khi nhập huyện Đông Sơn) chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới kể từ 0h ngày 1/7/2023.

Dự kiến sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa trong năm 2023 - Ảnh 1.

Một góc TP Thanh Hóa. (Ảnh: baotintuc.vn).

Tại Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 vào tháng 1 vừa qua, đại diện Viện Quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa và nhóm chuyên gia R.U.A. cho biết đô thị Thanh Hóa được mở rộng theo hướng sáp nhập huyện Đông Sơn, nhằm kết nối trung tâm thành phố với cao tốc Bắc - Nam, bổ sung hướng phát triển liên kết thành phố trung tâm với khu vực phía tây Thanh Hóa.

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, với tổng diện tích hơn 228 km2; dân số hiện tại là 605.000 người. Mục tiêu quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Đồ án thể hiện rõ định hướng phát triển Thanh Hóa thành đô thị tổng hợp, động lực phát triển chủ yếu là dịch vụ, tập trung vào 6 lĩnh vực gồm dịch vụ công; tài chính ngân hàng; thương mại và logistics; y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo; du lịch vui chơi giải trí, khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, đô thị Thanh Hóa chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao hỗ trợ khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghệ Lam Sơn Sao Vàng, phát triển nông nghiệp sinh thái phục vụ nhu cầu của đô thị và nhu cầu khu vực ven biển. Trong Đồ án, ngoài định hướng quy hoạch không gian với các trục phát triển, trung tâm tích hợp, dải sinh thái Sông Mã, các định hướng về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp điện, hạ tầng viễn thông...cũng được tư vấn nêu lên cụ thể.

Dự thảo Đề án xây dựng và phát triển TP Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu chung là xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa toàn diện, nhanh và bền vững; trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; đến năm 2030 là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.