6 điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh Thanh Hóa: Lập thêm khu kinh tế, mở nhiều đại lộ và đường vành đai

Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa; mở mới nhiều đại lộ và đường vành đai; lập khu kinh thế cửa khẩu Na Mèo; xây sân vận động 30.000 chỗ ngồi; sân bay Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế... là một số điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Một góc TP Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu: Báo Thanh Hóa).

Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn...

Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước... với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.

Nâng cấp CHK quốc tế Thọ Xuân đạt 20 triệu hành khách/năm

Về phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường ven biển, đường sắt, đường thủy sẽ được thực hiện theo Quy hoạch quốc gia; cảng hàng không thực hiện theo Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

 Cảng hàng không Thọ Xuân. (Ảnh: Báo Đầu tư).

CHKQT Thọ Xuân được quy hoạch tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân với chức năng dự bị cho CHKQT Nội Bài; công suất giai đoạn 2021 - 2030 đạt 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hoá/năm. Tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng hơn 844 ha.

Đến năm 2050, các công trình khu hàng không dân dụng mới ở phía đông bắc sẽ được nghiên cứu và xây dựng đồng bộ, nhằm đạt công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050 là hơn 1.092 ha.

Mở mới nhiều đại lộ và đường vành đai

Đối với phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, Thanh Hoá quy hoạch điều chỉnh 63 tuyến đường tỉnh hiện tại với tổng chiều dài 1.499 km, gồm: Nâng hai tuyến và một đoạn tuyến với chiều dài khoảng 100 km lên quốc lộ (đường từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn nâng lên thành quốc lộ 47B, tuyến Hà Ninh - Ngã Ba Hạnh nâng lên quốc lộ (kéo dài Quốc lộ  217) và đoạn Yên Bái - Ấn Đỗ chuyển thành quốc lộ).

Đồng thời, tỉnh chuyển ba tuyến sang đường đô thị (gồm Trường Thi - Hàm Rồng, Quốc lộ 47 - Cảng Thanh Hóa, Cầu Hổ - Nghi Sơn); nâng cấp 99 tuyến đường huyện, đường đô thị lên đường tỉnh và điều chuyển hai tuyến từ quốc lộ thành đường địa phương với tổng chiều dài khoảng 2.044 km (cụ thể, điều chuyển đoạn Km0+00 - Km3+200 Quốc lộ 47B hiện trạng thành đường địa phương, điều chuyển Quốc lộ 10 đoạn từ huyện Hậu Lộc (Km211+400) đến TP Thanh Hóa (Km231+667) thành đường địa phương sau khi đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 10 kéo dài từ Hậu Lộc đến Quảng Xương).

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên một số đường giao thông như: Đại lộ bắc sông Mã, nam sông Mã; Vành đai 3 TP Thanh Hóa; đường nối QL 47 - QL 45 - QL 217; đường nối TP Thanh Hóa với các huyện phía Tây...

Danh sách các dự án cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư:

 

  (Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch). 

Xây sân vận động 30.000 chỗ ngồi, 36 trung tâm thương mại 

Về phương án phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, đến năm 2025, toàn tỉnh có 420 chợ và ít nhất 15 trung tâm thương mại (TTTM).

Đến năm 2030, tỉnh có 486 chợ và 36 TTTM, trong đó TP Thanh Hóa có 10 TTTM; TP Sầm Sơn (4); Thị xã Bỉm Sơn (hai); huyện Thọ Xuân (hai); huyện Nông Cống (một); huyện Triệu Sơn (hai); huyện Quảng Xương (hai); huyện Nga Sơn (một), huyện Yên Định (một); huyện Thiệu Hóa (một); huyện Hậu Lộc (một); huyện Cẩm Thủy (một); huyện Ngọc Lặc (một); huyện Như Thanh (một); huyện Thường Xuân (một); huyện Hoằng Hóa (hai); Thị xã Nghi Sơn (ba).

Nhiều chợ mới được phát triển trong thời kỳ quy hoạch như: Chợ Ngọc Trạo, chợ Quảng Cát, chợ Đông Tân tại TP Thanh Hoá; chợ Quảng Minh, chợ Sông Đơ tại TP Sầm Sơn; chợ Quảng Trung tại thị xã Bỉm Sơn...

Về phương án phát triển thiết chế thể thao, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hoàn thành dự án Trung tâm đào tạo bóng đá Thanh Hóa; xây dựng Sân vận động trung tâm 30.000 chỗ ngồi; xây dựng một số công trình thuộc Khu Liên hợp thể dục thể thao tỉnh và ba Trung tâm thể dục thể thao vùng huyện...

Giai đoạn 2026 - 2030, Thanh Hoá hoàn thành sân vận động trung tâm 30.000 chỗ ngồi; xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên Thanh Hóa (quy mô Bắc Miền Trung)...

Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa

Phương án phát triển đô thị, đến năm 2025, toàn tỉnh có 47 đô thị các loại với một thành phố là đô thị loại I (đô thị Thanh Hóa: Sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thanh Hóa); hai đô thị loại III (TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn); một đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 43 đô thị loại V.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 47 đô thị với một thành phố là đô thị loại 1 (đô thị Thanh Hóa); hai đô thị loại III (TP Sầm Sơn; TP Nghi Sơn); 4 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới ba thị xã, gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.

Phương án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 - 2030:

 

 

 

 (Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch).

Phát triển 11 khu công nghiệp mới, cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế

Đối với phương án tổ chức không gian phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được tập trung phát triển trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Giai đoạn sau năm 2030, cửa khẩu quốc tế Na Mèo được phát triển thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo.

Về các khu công nghiệp (KCN), Thanh Hoá tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha; phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5 ha, gồm: KCN phía tây TP Thanh Hóa; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa; KCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa; KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Lưu Bình, huyện Quảng Xương; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn; KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc.

Sau năm 2030, tỉnh phát triển mới thêm hai khu công nghiệp với diện tích 872 ha, gồm: KCN Phong Ninh, huyện Yên Định; KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung.

Với hệ thống cụm công nghiệp, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha; giai đoạn sau năm 2030, có 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65 ha. 

12 dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng ưu tiên đầu tư

Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao; tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính, gồm: Du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển 13 sân Golf gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái cao cấp và một số địa điểm khác có điều kiện phù hợp.

 Danh sách các dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng được ưu tiên đầu tư: 

   (Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch). 

chọn
Lãnh đạo An Dương Thảo Điền cập nhật tiến độ dự án tại quận 5, Tân Bình và khu đất vừa M&A ở Thủ Đức
Lãnh đạo An Dương Thảo Điền cho biết, các dự án tại quận 5 và Tân Bình của doanh nghiệp đang gặp đình trệ. Còn dự án mới ở Thủ Đức kỳ vọng sẽ có bước tiến mới vào giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025.