Huyện Mê Linh kiến nghị đầu tư 5 tuyến đường, sớm giải quyết các dự án chậm triển khai

Mê Linh đề nghị TP Hà Nội cho phép tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư 5 tuyến đường, gồm: Giai đoạn 2 dự án đường Tiền Phong - Tự Lập (kết nối với đường vành đai 4); tuyến đường Tiền Phong - Đại Mạch; giai đoạn 2 tuyến đường quốc lộ 23B đi cảng Chu Phan; đường từ khu Trung tâm thể thao huyện đến Đê Trung ương; đường nối từ đường Tiền Phong - Tự Lập tại ngã ba cổ ngựa xã Tiền Phong đến đường Võ Văn Kiệt.

Tại cuộc họp với Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vào sáng 10/3, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết trên địa bàn đã hoàn thành một số tuyến đường quan trọng như đường 35, đường Chi Đông - Kim Hoa, đường từ khu trung tâm hành chính đi thị trấn Chi Đông,...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục rà soát các dự án hạ tầng khung; đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư ba dự án lớn gồm đường quốc lộ 2 - cảng Chu Phan, đường Tiền Phong - Tự Lập, đường 48 m kết nối đường 36 Khu Công nghiệp Quang Minh.

Huyện Mê Linh kiến nghị đầu tư 5 tuyến đường, sớm giải quyết các dự án chậm triển khai - Ảnh 1.

Đường từ trung tâm hành chính huyện Mê Linh đến trung tâm văn hóa thể thao huyện nối với đường Đại Thịnh, giao với quốc lộ 23 và hướng về KCN Quang Minh. (Ảnh: Hạ Vũ).

Huyện Mê Linh đã kiến nghị với thành phố điều chỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp Quang Minh II để thu hút các doanh nghiệp phát triển công nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy hoạch Khu Công nghiệp Tiến Thắng quy mô khoảng 400 - 500 ha để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao vào địa bàn huyện.

Địa phương cũng kiến nghị thành phố có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể để thực hiện giải quyết đất dịch vụ cho nhân dân. Tổng nhu cầu đất dịch vụ còn lại trên địa bàn toàn huyện khoảng 23 ha, tương ứng với khoảng 7.323 hộ gia đình, cá nhân.

Đối với 64 dự án chậm triển khai, huyện kiến nghị thành phố sớm có kết luận cụ thể cho phép các dự án nào tiếp tục được triển khai và thu hồi các dự án vi phạm pháp luật đất đai, không có khả năng thực hiện; đồng thời, lựa chọn thu hút nhà đầu tư có năng lực, uy tín để thực hiện.

Huyện Mê Linh cũng kiến nghị thành phố cho phép đầu tư 140 dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, với tổng số vốn khoảng 3.561 tỷ đồng. Đồng thời sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập (giai đoạn 1); tuyến đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan; tuyến đường 48 m đoạn từ Yên Vinh đến đường 36 Khu công nghiệp Quang Minh..

Ngoài ra, huyện đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư 5 tuyến đường, gồm: Giai đoạn 2 dự án đường Tiền Phong - Tự Lập (kết nối với đường vành đai 4); tuyến đường Tiền Phong - Đại Mạch (đường 23B đoạn từ ngã ba Cổ Ngựa đi Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long - kết nối huyện Đông Anh với huyện Mê Linh); giai đoạn 2 tuyến đường quốc lộ 23B đi cảng Chu Phan (kết nối với huyện Sóc Sơn tại quốc lộ 2); đường từ khu Trung tâm thể thao huyện đến Đê Trung ương; đường nối từ đường Tiền Phong - Tự Lập tại ngã ba cổ ngựa xã Tiền Phong đến đường Võ Văn Kiệt (thuộc trục đường Tiền Phong - Kim Nỗ - Hải Bối).

Huyện Mê Linh kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai dự án xây dựng nhà ở xã hội, sớm đưa vào sử dụng dự án đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 của Tổng công ty HUD (với 10 khối nhà khoảng 762 căn hộ); đồng thời, chỉ đạo khẩn trương tổ chức lập quy hoạch, phê duyệt để triển khai dự án khu nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Quang Minh I với diện tích 26 ha; khu nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Quang Minh II với khoảng 14 ha.

Thu hồi 4 dự án khu đô thị

Sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô, huyện Mê Linh có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha.

Trong đó, 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư; một dự án chưa được giao chủ đầu tư, đang nghiên cứu lập quy hoạch.

Hà Nội cũng cho biết, huyện Mê Linh có 36 dự án phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch; 11 dự án không phải điều chỉnh quy hoạch.

Trong số các dự án trên có 4 dự án chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt gồm khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh; khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh; khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp; xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, văn phòng căn hộ, khu luyện tập thể thao.

TP Hà Nội cũng ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án, gồm dự án Khu đô thị mới Prime Group, Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC, Khu đô thị mới Việt Á.

Đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND thành phố đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.