Mới đây, thông tin chia sẻ từ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn đã mang đến kỳ vọng về diện mạo mới cho Thủ đô.
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm thành phố, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô.
Bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế - xã hội, kiến trúc đô thị và cảnh quan, thành phố đã và đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy của quá trình phát triển nhanh, thiếu kiểm soát, làm cản trở sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Trên thực tế, trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội, khu vực hai bên sông Hồng mọc lên không ít công trình xây dựng tự phát, trái phép, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, hình thành một số khu vực lộn xộn, không theo quy hoạch.
Từ hàng chục năm về trước, nhiều đề án liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng được nghiên cứu, đề xuất nhưng đều chưa thành hiện thực.
Theo ông Phạm Xuân Tứ, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có quy hoạch chi tiết một số phường khu vực sông Hồng, trong đó đề xuất việc xây dựng dọc theo bờ sông, tuy nhiên các địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc bị người dân lấn chiếm, xuất hiện tình trạng xây dựng lộn xộn, không có không gian cảnh quan ở mặt sông Hồng. Vấn đề giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác lại càng nhức nhối hơn.
"Từ năm 2005, Hà Nội muốn xây dựng đô thị dọc hai bờ sông, nhưng với tình hình kinh tế lúc bấy giờ chưa thể thực hiện được." ông Tứ cho hay.
Ngoài ra, còn có một số đề án cụ thể như Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) được đề xuất năm 1994; đề án thành phố hai bên sông hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2006,...
Về đề án hợp tác với phía Hàn Quốc, vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Trong đó, khu vực 1, từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến địa điểm bắt đầu dự án (Bát Tràng).
Theo đề án này, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội, trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích. Phần diện tích còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đề án vẫn không đi đến đích cuối cùng.
Theo tìm hiểu, Hà Nội cũng đã từng có chủ trương chấp thuận cho ba nhà đầu tư là Sun Group, Vingroup và Geleximco tự nguyện đóng góp tài chính cho việc nghiên cứu trị thủy, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Thành phố cũng giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với ba nhà đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có đủ điều kiện, kinh nghiệm để nghiên cứu, đưa ra phương án thực hiện đồ án.
Đầu năm 2017, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Tháng 3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố.
Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu hoàn thành đồ án theo góp ý của các bộ, ngành, các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến góp ý của HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy, của các chuyên gia và của UBND các quận, huyện liên quan.
Đây được đánh giá là đồ án quy hoạch lịch sử, nhận được sự quan tâm từ cộng đồng cũng như phía chuyên gia và các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay bản quy hoạch vẫn đang trễ hẹn với người dân Thủ đô.
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện; quy mô dân số 280.000 - 320.000 người.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.
Suốt nhiều năm qua, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được duyệt khiến nhiều dự án chưa có cơ sở để triển khai, điều chỉnh quy hoạch hay xây dựng.
Bên cạnh đó, đối nhiều người dân sống ven hai bên bờ sông tại các quận, huyện như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Đan Phượng,... quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được duyệt đồng nghĩa với việc đất đai, nhà cửa không được phép cải tạo hoặc gặp khó trong quá trình xin cấp giấy phép.
Chia sẻ với người viết, một số người dân sống tại tổ 14, khu tập thể F361, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho hay, dự án Sông Hồng City nằm trong quy hoạch phân khu sông Hồng đã có chủ trương từ vài chục năm trước nhưng đến nay vẫn "bặt vô âm tín". Nhiều hộ dân sống trong diện quy hoạch không thể xây dựng nhà cửa hay thực hiện các giao dịch, mua bán, chuyển nhượng đất.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tiến độ lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một trong những nội dung được nhiều cử tri Hà Nội quan tâm thời gian qua.
Mới đây, cử tri các phường Yên Phụ, Quảng An (quận Tây Hồ); phường Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)... đề nghị TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng.
Ông Phạm Xuân Tứ cho rằng quy hoạch phân khu sông Hồng khi được duyệt sẽ hoạch định không gian phát triển đô thị cho dải đất hai bên bờ sông, tạo ra các không gian xanh, vui chơi giải trí mà hiện nay thành phố đang rất thiếu. Một điểm nữa là nhiều khu dân cư, làng xóm hiện đang nằm trong khu vực dành cho thoát lũ của Thủ đô. Theo quy hoạch thoát lũ cho Thủ đô, những nơi này không được phép xây dựng, trong quy hoạch mới sẽ phải chuyển đổi thành đất công viên cây xanh, như vậy hành lang dành cho thoát lũ sẽ đảm bảo.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khi được phê duyệt sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Khi xây dựng được hình ảnh của dải sông Hồng theo đúng quy hoạch, chúng ta có giấc mơ của Hà Nội về dòng sông này.
Thời gian qua đã có rất nhiều đề xuất liên quan đến quy hoạch sông Hồng nhưng các quy hoạch này không thành công chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ. Bên cạnh đó là chỉnh trị dòng chảy cũng như dự báo về kịch bản biến đổi khí hậu.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến hoạt động xây dựng, nhà ở, đầu tư...
Hiện nay, các pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai đang được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm và yêu cầu các bộ, ngành rà soát, phát hiện vướng mắc, khó khăn, để gấp rút sửa đổi trong giao đoạn tới. Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian tới, nhất là trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án.
Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chia sẻ trong quá trình đô thị hóa, khu vực dọc hai bờ sông Hồng tình trạng xây dựng tự phát, trái phép, không theo quy hoạch, thậm chí lấn chiếm dòng sông, gây cản trở dòng chảy. Điều này đã khiến tất cả càng ngày càng “quay lưng” lại phía sông Hồng.
Mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu triển khai cải tạo dân cư dọc sông Hồng hay nắn dòng chảy... nhưng mới mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ, giải quyết một số vấn đề giao thông, dân cư chứ chưa toàn diện.
Do đó, Quy hoạch phân khu đô sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý phục vụ quản lý và đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch, kiến tạo khu vực hai bên sông thành đô thị xanh, văn minh, đúng là trục cảnh quan không gian chủ đạo của Thủ đô.
Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng để hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng” cần cập nhật cơ sở nền tảng pháp lý mới ban hành mà mới đây nhất là ý kiến của cơ quan chuyên ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu.
Việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đặc biệt lợi thế khi mở ra trục kết nối phía đông với những tiềm năng cần khai thác để hướng tới cực tăng trưởng phía bắc và phía đông.
Đặc biệt, nếu làm xong hai tuyến đường chính 6 làn xe như trong đề xuất quy hoạch thì lại thiết lập ra một chỉ giới đỏ, chống lấn chiếm lòng sông, dẹp bỏ hoàn toàn việc đổ thải ra sông... Việc hình thành thành phố hai bên sông với bộ mặt kiến trúc cảnh quan lý tưởng, khai thác tổ chức tốt sẽ được người dân đón nhận, giúp hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng” của Thủ đô ngày càng gần.