Sáng 29/3, tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đã diễn ra Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2.
Công trình được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu. Công trình dài 17,6 km, điểm đầu giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối kết nối với quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc TP Bến Tre.
Cầu chính trên sông Tiền có kết cấu dây văng, dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe, thiết kế cho thời gian khai thác 100 năm. Đoạn cầu vượt sông Mỹ Tho là cầu đúc hẫng, dài 456 m, 4 làn xe. Riêng đường dẫn trên tuyến có 4 làn dành cho ô tô, hai làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h.
Dự án được chia làm 6 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.
Khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu 2 sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông đường bộ giữa TP HCM và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Sáng 28/3, tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang tổ chức Lễ Khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc , kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Tổng chiều dài tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc dài 20,9 km, trong đó phần tuyến chính dài hơn 17,5 km và phần các tuyến đấu nối dài gần 3,5 km. Riêng cầu Châu Đốc dài 667 m, rộng 14 m với 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.131 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh An Giang. Thời gian thực hiện dự án 33 tháng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2024.
Công trình sẽ kết nối giao thông giữa TP Châu Đốc, các huyện, thành phố khác trong tỉnh với thị xã cù lao Tân Châu. Đồng thời kết nối thông thương với cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương.
Dự án cũng sẽ góp phần thông tuyến quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang) và hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng, từ đó sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu đến TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trong tuần qua, thông tin quy hoạch gây chú ý là TP Hà Nội quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Đồ án có quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Trong đó, diện tích sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá...
Theo quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ xây mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên đường vành đai 4; Thượng Cát và Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5; cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên. Các cầu đều có quy mô 6 là xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. Riêng với cầu Hồng Hà và Mễ Sở có 6 làn xe cao tốc.
Ngoài ra, Hà Nội xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng.
Các tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông – Bắc Hồng sẽ dỡ bỏ, thay thế bằng các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở. Việc bố trí đường sắt đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư.
Với các tuyến đường sắt đô thị, phạm vi lập quy hoạch có 6 cầu đường sắt đô thị kết nối các khu vực bắc với nam sông Hồng.
Bên cạnh Phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội cũng đã chính thức phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng), tỷ lệ 1/5.000.
Quy hoạch có phạm vi, ranh giới nghiên cứu phía bắc và đông bắc giáp đê tả ngạn sông Đuống và phân khu đô thị N9 thuộc hai huyện Đông Anh và Gia Lâm); phía nam và tây nam giáp đê hữu ngạn sông Đuống (thuộc quận Long Biên); phía tây giáp cầu bắc cầu và phân khu đô thị sông Hồng; phía nam và đông nam giáp phân khu đô thị N10 và cầu Phù Đổng.
Quy mô nghiên cứu khoảng 1.152 ha. Dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 8.296 người.
Phân khu đô thị sông Đuống sẽ bổ trợ cho cảnh quan trung tâm của khu vực phía bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ.
Đây cũng là khu vực có quỹ đất để phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, đồng thời là khu vực dự kiến phát triển hệ thống đường ven sông, cầu nối kết đô thị hai bên sông, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.
Về giao thông, mạng lưới giao thông trong Quy hoạch phân khu sông Đuống được xác định phù hợp với các quy hoạch đã có. Tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và cầu Đuống sẽ được dỡ bỏ, thay thế bằng đường sắt đô thị tuyến số 1 và cầu Đuống mới theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cắt qua phạm vi quy hoạch có hai tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 1 qua cầu Đuống mới và tuyến số 4 qua cầu Đông Trù.
Ngày 31/3, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công tuyến đường dài gần 9,4 km, rộng 22 m, 4 làn xe, vận tốc 80 km/h . Điểm đầu tuyến giao quốc lộ 1 và đường Lê Hồng Phong ở thị xã An Nhơn, điểm cuối nối đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) - phía tây đầm Thị Nại.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.043 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 680 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Dự kiến thi công hoàn thành trong 30 tháng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, khai thác tiềm năng quỹ đất dọc tuyến để tạo nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 76 km2, diện tích mặt biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo khoảng 140 km2 và vùng biển xung quanh các đảo.
Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Quyết định đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Dự kiến quy mô dân số tối đa đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 25.000 người, chưa bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch.
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, nằm ở phía đông nam Việt Nam, đồng thời là huyện đảo thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hòn đảo này được biết tới là một điểm hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới bởi cảnh quan, hệ sinh thái và những giá trị lịch sử đặc biệt.
Ngày 1/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định số phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040. Phạm vi điều chỉnh Quy hoạch chung TP Việt Trì gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 22 đơn vị hành chính, bao gồm 13 phường và 9 xã, với diện tích khoảng 11.175 ha.
Ranh giới lập quy hoạch có phía bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh; phía nam giáp sông Hồng; phía tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao; phía đông giáp sông Lô.
Mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hoá định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở cho việc xây dựng TP Việt Trì thành trung tâm tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của vùng phía Bắc thủ đô Hà Nội và của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, quy hoạch nhằm nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, xây dựng đô thị Việt Trì thành thành phố lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia.
Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn TP Việt Trì khoảng 350.000 người; đến năm 2040 khoảng 500.000 người.
Đến năm 2030, đất xây dựng phát triển đô thị TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khoảng 6.500 - 7.000 ha, đến năm 2040 là khoảng 8.000 - 9.000 ha.
Ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai thực hiện hai dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các Bộ liên quan về phương án đầu tư hai dự án đường sắt nói trên, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền.
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đuờng sắt khu vực đầu mối TP HCM. Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM), điểm cuối là cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38 km. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỷ đồng.
Hai tuyến đường sắt trên được đầu tư xây dựng sớm sẽ giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành, từ đó tạo điều kiện để phát huy tối đa lợi thế của "siêu" dự án này.
Ngày 31/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM.
Cụ thể, trước đề nghị của Bộ KH&ĐT về dự thảo tờ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư hai dự án này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến giao Bộ này thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1703 và số 1705 ngày 18/3, chịu trách nhiệm về nội dung dự thảo tờ trình và trình Quốc hội theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tiến độ gửi tài liệu theo quy định của Quốc hội.
Theo văn bản số 1703 và 1705, căn cứ ý kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP HCM, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp tục làm việc với UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM rà soát hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án này.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nêu trên.
Quy hoạch 09:33 | 18/01/2025
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024