Tiến độ lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một trong những nội dung được nhiều cử tri Hà Nội quan tâm thời gian qua.
Trả lời cử tri về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu tổ chức lập.
Tại văn bản thông báo ngày 22/3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản tham gia ý kiến.
UBND TP Hà Nội đã có các văn bản xin ý kiến các cơ quan liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng...
Cụ thể, ngày 14/5, UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị xem xét, có ý kiến về sự phù hợp của nội dung chính đồ án. Tại văn bản ngày 14/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến trả lời về nội dung này.
Ngày 18/10, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có công văn báo cáo UBND TP Hà Nội, kèm theo Dự thảo văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về nội dung đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Cùng ngày, UBND thành phố đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng lấy ý kiến đối với đồ án để xem xét phê duyệt.
Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu hoàn thành đồ án theo góp ý của các bộ liên quan, các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến góp ý của HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy, ý kiến của các chuyên gia và của UBND các quận, huyện liên quan.
UBND TP Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 để sớm phê duyệt.
Sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được cấp thẩm quyền phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tổ chức công bố, công khai đồ án quy hoạch theo quy định để các cơ quan, tổ chức và nhân dân được biết, thực hiện.
Chiều 18/11, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai thực hiện năm 2021 Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, hiện UBND TP đã phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô, còn hai đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống hiện đang xin ý kiến Bộ Xây dựng để hoàn chỉnh hồ sơ, mục tiêu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 trình UBND thành phố phê duyệt.
Phân khu đô thị sông Hồng trải dài trên địa giới hành chính 13 quận, huyện gồm Đan Phượng, Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 11.513 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 130.000 - 168.000 người.
Theo UBND TP Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 được phê duyệt sẽ là cơ sở để nghiên cứu, lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết, cũng như các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực. Đồng thời, đây sẽ là một trong các cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương.
Tại diễn đàn “hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 23/9 vừa qua, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang kỳ vọng vào đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và ban hành. Nhờ đó, vùng Thủ đô Hà Nội với vai trò "đầu tàu" của thị trường bất động sản cả nước, hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến sẽ có thể được phê duyệt vào cuối năm 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng của con sông này.
Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, quảng trường... Nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông, khác với việc nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác hiện nay.
Sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Còn ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland nhận định: “Trong quy hoạch đô thị sông Hồng, yếu tố nền tảng cốt lõi vững chắc nhất chính là hạ tầng giao thông. Hiện cầu Vĩnh Tuy giai đoạn hai đang được triển khai sẽ mở thêm 4 làn lưu thông, tăng gấp đôi lưu lượng giao thông. Ngoài ra còn có cầu Trần Hưng Đạo nối từ quận Long Biên sang trung tâm Hoàn Kiếm... Khi hạ tầng khu vực bứt phá mạnh mẽ thì giá trị bất động sản cũng liên tục được tăng trưởng theo từng năm”.
Báo cáo của Savills cũng nhận định về sự trỗi dậy của bất động sản khu vực phía tây Hà Nội trong nửa đầu năm 2021, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã tác động lên giá đất, đặc biệt là ở huyện Đông Anh. Với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên thành các quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý.