Trong văn bản tổng hợp kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, cử tri huyện Thanh Trì cho biết, giá đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp hiện nay rất thấp. Việc giá đền bù đất ao, vườn liền kề ngoài hạn mức đất ở được bồi thường bằng giá đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, dẫn đến khiếu nại kéo dài (khiếu kiện về đất đai, chủ yếu là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chiếm 70% đơn thư khiếu nại).
Cử tri các huyện Đan Phượng, Sơn Tây cũng cho rằng, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án chưa sát với giá thị trường. Hiện nay mức chi bồi thường giải phóng mặt bằng gần 1,7 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư là quá thấp so với giá mặt bằng chung.
Cử tri đề nghị UBND thành phố xem xét nâng mức kinh phí hỗ trợ, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, cử tri các địa phương cũng chỉ ra những vướng mắc khác về công tác đền bù giải phóng mặt bằng như việc xác định nguồn gốc đất của các hộ dân chưa rõ ràng, chính sách thu hồi chưa hợp lý (nếu diện tích thu hồi thực tế lớn hơn diện tích trong giấy tờ thì tính theo diện tích trong giấy tờ, nhưng khỉ diện tích thực tế nhỏ hơn giấy tờ thì lại tính theo diện tích thực tế)...
Trả lời về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, khi Nhà nước thu hồi đất (trong đó có đất nông nghiệp) để thực hiện các dự án thì giá đất làm căn cứ bồi thường là giá đất cụ thể được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ được xác định trên cơ sở giá đất nông nghiệp theo địa bàn quận/huyện/thị xã được quy định tại bảng giá đất ban hành tại thời điểm với hệ số điều chỉnh giá đất được xác định K = 1.
Ngoài việc được bồi thường bằng tiền thì các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của UBND thành phố.
Như vậy, mức giá hiện nay khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp cao nhất là 1.512.000 đồng/m2 (trong khi mức giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp ở các địa phương lân cận như Hưng Yên mức cao nhất là 76.000 đồng/m2, hay Hà Nam có mức cao nhất là 50.000 đồng/m2).
Đối với một số trường hợp sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật thì việc tìm kiếm tài sản so sánh (để xác định giá đất cụ thể) theo đúng quy định là rất hạn chế, hoặc nếu có thì các bên giao dịch khai nhận giá chuyển nhượng thực tế thấp hơn bảng giá đất ban hành. Một số trường hợp thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai 2013 để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư được phê duyệt cao hơn bảng giá đất ban hành, nhưng không phù hợp quy định giá phổ biến thị trường và trong điều kiện bình thường nên không có cơ sở để xác định giá đất cụ thể.
Do đo, để đảm bảo tiến độ, thời gian thực hiện các dự án, UBND thành phố đã quyết định cho phép thực hiện xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp = hệ số điều chỉnh giá đất (K=l) X giá đất theo bảng giá đất tại thời điểm.
Việc xây dựng bảng giá đất đối với từng quận/huyện/thị xã được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và được HĐND thành phố thông qua trước khi UBND thành phố ban hành quyết định.
Về kiến nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng đất phải thu hồi để làm đường hoặc các công trình phúc lợi, UBND TP Hà Nội cho biết, nội dung việc xác định giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất và Quyết định ngày 31/12/2020 của UBND thành phố về việc ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 và các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính giao trong việc xác định giá đất cụ thể trên địa bàn.
Theo quy định trên, việc cử tri huyện Đan Phượng đề xuất điều chỉnh, bổ sung, tăng thêm giá đất làm cơ sở bồi thường về đất khi thực hiện các dự án làm đường hoặc các công trình phúc lợi là không có cơ sở xem xét.
Theo Công văn 7073 ngày 15/10 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đang xây dựng đề án tách tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án, tháo gỡ "điểm nghẽn" giải ngân vốn đầu tư công.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 cho thấy, trong khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ có gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng. Năm 2021, vấn đề này cũng tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Tại Hà Nội, không ít những dự án chậm tiến độ nhiều năm do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1. Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010 nhưng sau 11 năm, việc giải phóng mặt bằng còn chưa hoàn thành do còn nhiều vướng mắc, khiến dự án thi công không đạt tiến độ đề ra.