Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế

Những năm gần đây, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho giải phóng mặt bằng thi công các công trình, dự án luôn được các ngành chức năng, các huyện và thành phố trong tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2025 Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh công nghiệp cũng như dịch vụ phát triển mạnh. 

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu đưa vào hoạt động thêm 3-5 khu công nghiệp mới trong quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn  2.700- 2.800 ha để triển khai xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp; từng bước chủ động được quỹ đất cho thuê để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Năm 2021, theo kế hoạch  toàn tỉnh cần giải phóng mặt bằng 1.517 trên 2.776 ha cho 413 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy vậy, đến nay các địa phương mới thực hiện được khoảng 300 ha; phần lớn các dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư đều phải quyết định điều chỉnh gia hạn do  người dân chưa đồng tình về đơn giá bồi thường.

Cũng trong năm 2021, huyện Vĩnh Tường thực hiện giải phóng mặt bằng 34 dự án với tổng diện tích hơn 144 ha; trong đó, có 10 dự án thi công mới, đa số các dự án đều gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, huyện Vĩnh Tường thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 7 dự án với diện tích 50,34 ha, tổng kinh phí đã chi trả là 113,3 tỷ đồng. Có mặt bằng sạch, một số dự án đầu tư công trên địa bàn huyện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các vùng thương mại - dịch vụ.

Đến tháng 5/2021, huyện Sông Lô có 8 dự án còn tồn tại, vướng mắc về mặt bằng; trong đó, 5 dự án vướng mắc đến tái định cư, 1 dự án vướng mắc về tranh chấp đất đai, 2 dự án vướng mắc về giá và nguồn gốc đất.  Điển hình như dự án khu công nghiệp Sông Lô II (Huyện Sông Lô) có tổng diện tích quy hoạch gần 170,7 ha  khi hoàn thiện, dự kiến sẽ thu hút khoảng 35-40 doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng sẽ phải di dời nhà cửa, cây cối, các công trình xây dựng và một bộ phận dân cư trên phần diện tích đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

Để tháo gỡ khó khăn cho giải phóng mặt bằng thi công các công trình, dự án, thúc đẩy phát triển, tháng 3/2021 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua Nghị quyết số 01 về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo nội dung Nghị quyết, tỉnh sẽ thưởng cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi theo tiến độ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng tại thực địa sớm với mức thưởng từ 40-50 triệu đồng/chủ sử dụng đất. 

Hỗ trợ kinh phí ngoài quy định hiện hành với mức không quá 1 tỷ đồng/dự án cho lực lượng công an tham gia giải phóng mặt bằng và không quá 500 triệu đồng/dự án cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức chính trị xã hội các cấp, UBND cấp xã, tập thể, cá nhân có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, vận động người có đất thu hồi chấp hành chủ trương thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc, cho biết, từ các chủ trương, chính sách và một số biện pháp đặc thù để bảo đảm giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đã có những chuyển biến tích cực. 

Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tập trung giải phóng mặt bằng dự án cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương được đầu tư xây dựng tại khu vực Đồng Nắng, thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc với tổng diện tích gần 34 ha.

Ngành nghề thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương là sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu; điện tử, cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ...với khoảng 260 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh ở các làng nghề lân cận.

Tỉnh cũng tổ chức giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của một số hộ gia đình để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên - giai đoạn 3 có tổng diện tích đất thu hồi gần 71 ha, nằm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc. 

Vĩnh Phúc cũng cưỡng chế giải phóng mặt bằng dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường (huyện Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc) và hiện dự án này đã bồi thường được khoảng 100 ha/ 150 ha.

Cuối tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc  khóa XVII đã thông qua các Nghị quyết như phê duyệt danh mục các dự án chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án năm 2021; Nghị quyết về phê duyệt danh mục các dự án cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện các công trình dự án năm 2021 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông... Đặc biệt, tỉnh đang  xây dựng khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, khai thác thế mạnh của vùng Thủ đô.

Tỉnh sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các chủ đầu tư dự án đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân trong diện phải thu hồi đất để cung cấp nguồn lao động cho các dự án, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.