Hà Nội sẽ xây 6 cầu mới vượt sông Hồng và hai tuyến đại lộ dọc sông

Theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội dự kiến có thêm 6 cây cầu, đồng thời bổ sung giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng...

UBND TP Hà Nội vừa thông qua Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

 Đồ họa: Justin Bùi.

Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá...

Tổng diện tích đất giao thông tính đến đường cấp khu vực khoảng 532 ha, đạt tỷ trọng 19,12%, mật độ khoảng 7 km/km2.

Xây mới 6 cầu vượt sông Hồng

Theo quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ xây mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên đường vành đai 4; Thượng Cát và Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5; cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên. Các cầu đều có quy mô 6 là xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. Riêng với cầu Hồng Hà và Mễ Sở có 6 làn xe cao tốc.

Cầu Hồng Hà dài khoảng 6 km với vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng. Phía bắc cây cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.

 Phía bắc cầu Hồng Hà thuộc tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng. Dự án có chiều dài khoảng 13,8 km, chiều rộng là 17 m với tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng. Điểm đầu dự án là nút giao quốc lộ 1 với đường vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội). Điểm cuối là nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Cầu Thượng Cát nằm trên trục vành đai 3,5, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026 với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng. Công trình dài 4,5 km, rộng 60 m.

Cầu Vân Phúc dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2022 - 2026. Cầu này có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, chiều dài 4 km và hệ thống đường hai đầu cầu. Theo HĐND TP Hà Nội, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, dự án này sẽ được rót 506,1 tỷ từ ngân sách trung ương. 

Cầu Ngọc Hồi dài 4 km, bắc qua sông Hồng, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Phần đầu cầu phía Đông đặt ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Phần đầu cầu phía Tây là địa bàn giáp ranh giữa xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) với thị trấn Văn Giang. Dự kiến cầu Ngọc Hồi được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2025 – 2030.

Dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, phần cầu dài 3 km, rộng 29,5 m. Phần đường nối cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên dài 9 km, rộng 60 m. Dự kiến công trình được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.

Còn dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài 3,1 km, vốn đầu tư 8.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP. Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

 Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã khởi công vào đầu tháng 1 năm ngoái. (Ảnh: Hạ Vũ).

Ngoài ra, Hà Nội xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng...

Xây dựng hai đại lộ dọc sông Hồng

Hà Nội xác định hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng được xây dựng mới. Cụ thể, trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang với tối thiểu 4 làn cơ giới và 2- 4 làn hỗn hợp.

Trục bờ tả sông Hồng từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì được quy hoạch với quy mô mặt đường rộng 40-60 m (6-10 làn xe).

Hai bờ sông Hồng sẽ có hai tuyến đường trục chính với quy mô lớn. (Ảnh: Hạ Vũ).

Phương án cụ thể của hai tuyến trục chính đô thị dọc sông sẽ được xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng. Yêu cầu đặt ra là đảm bảo phòng chống lũ.

Ngoài ra, các tuyến đường cấp đô thị khác gồm đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái được xác định là tuyến liên khu vực quy mô 4-10 làn xe. Các tuyến đường chính đô thị, liên khu vực khác có bề rộng quy mô 6-8 làn xe.

Tuyến đường chính khu vực xây dựng trên cơ sở nâng cấp các đoạn tuyến đê hiện có như đê tả sông Hồng, đê hữu sông Hồng đoạn Liên Mạc - Thượng Cát, đoạn phía nam cầu Thanh Trì có quy mô 4-6 làn xe bao gồm đường gom chân đê.

Tuyến phố, ngõ xóm đi qua khu vực dân cư hiện có, khi xây dựng cải tạo mở rộng tuân thủ nguyên tắc: Tận dụng tối đa đường hiện có, xem xét quy mô vỉa hè tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo mật độ mạng lưới đường chung, đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Làm 6 cầu đường sắt đô thị

Các tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông – Bắc Hồng sẽ dỡ bỏ, thay thế bằng các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở. Việc bố trí đường sắt đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư.

Với các tuyến đường sắt đô thị, phạm vi lập quy hoạch có 6 cầu đường sắt đô thị kết nối các khu vực bắc với nam sông Hồng, cụ thể: tuyến số 1 đi qua sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên mới cách cầu hiện có 75 m về phía thượng lưu; tuyến số 2 đi qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Nhật Tân khoảng 1,3 km về phía thượng lưu.

Tuyến số 4 qua sông Hồng tại vị trí các cầu Vĩnh Tuy khoảng 1,2 km về phía hạ lưu; tuyến số 6 qua sông Hồng tại cầu Thăng Long; tuyến số 7 qua sông Hồng tại cầu Thượng Cát và tuyến số 8 qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Thanh Trì khoảng 1,4 km về phía hạ lưu.

Đối với các tuyến số 4, số 8 việc bố trí đường sắt đô thị đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/4 - 26/4): Khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, TP Phan Thiết sẽ mở rộng  thêm 94 km2
Sắp thông xe cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; khởi công nút giao phức tạp nhất trên vành đai 3 TP HCM; khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.