Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (21-27/3): Quy hoạch Khánh Hòa thành TP trực thuộc Trung ương, Hà Nội chốt phương án ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm

Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chốt phương án đề xuất xây dựng ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm, FLC bắt tay doanh nghiệp Lào làm dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng 5 tỷ USD, khởi công siêu dự án TP thông minh Bắc Hà Nội trong tháng 6,... là những thông tin quy hoạch nổi bật từ ngày 21 đến 27/3.

Quy hoạch Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2030

Ngày 21/3 vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế biển, là đô thị thông minh, phát triển bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển và các lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao,...

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao,…

 Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Khải An).

Chính phủ giao lập mới và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW nhằm điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Trong đó, TP Nha Trang sẽ đóng vai trò là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng và huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

FLC bắt tay doanh nghiệp Lào làm dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng 5 tỷ USD

Ngày 21/3/2022 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Tập đoàn FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng.

FLC và PetroTrade sẽ cùng tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển đường đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo thuộc Quảng Bình (Việt Nam). 

Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 555 km, trong đó, 452 km thuộc Lào và 103 km tại Việt Nam, mục tiêu khởi công dự án trong quý IV năm nay.

 Sơ đồ tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Ánh. (Ảnh: Vietlaotrade).

Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Lào, Thái Lan, Myanmar với cảng Vũng Áng của Việt Nam, thúc đẩy giao thương thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế.

Khởi công siêu dự án TP thông minh Bắc Hà Nội trong tháng 6

Chiều 23/3, lãnh đạo TP Hà Nội đã có buổi tiếp đón Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Tập đoàn Sumitomo và CTCP Tập đoàn BRG để trao đổi về dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội. 

Theo đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao trách nhiệm cho UBND thành phố, các sở, ngành và huyện Đông Anh cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phng mặt bằng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch,... phấn đấu khởi công khu 1, khu 2 dự án trong tháng 6.

 Phối cảnh dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội. (Ảnh: BRG).

Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu; công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hồ Phương Trạch và đô thị Đông Anh cũng đang được UBND thành phố chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. 

Dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội (BRG Smart City Sumitomo) có diện tích 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài.

Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội được Tập đoàn BRG hợp tác với Sumitomo Corporation (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD; dự kiến hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn vào năm 2028.

Chốt phương án đề xuất xây dựng ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm

Ngày 23/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận về việc xem xét thống nhất vị trí mặt bằng ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm, dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, UBND TP Hà Nội đã quyết định đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt metro Hà Nội (tuyến số 2), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.

Phương án 1 sẽ điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. 

 Phối cảnh ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: MRB).

Theo UBND TP Hà Nội, phương án trên đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cao tốc nối Huế với Đà Nẵng gần 11.500 tỷ đồng sẽ thông xe vào tháng 4

Sáng 22/3, tại buổi kiểm tra công tác hoàn thiện toàn tuyến cao tốc La Sơn - Tuý Loan, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chỉ đạo, tất cả các vấn đề phát sinh, tồn đọng phải được tập trung xử lý để đưa công trình thông xe, khai thác từ đầu tháng 4/2022.

Báo cáo với Thứ trưởng, ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (cao tốc La Sơn- Tuý Loan) được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu (có điều kiện) từ tháng 10/2021.

Hiện, Ban cùng các bên liên quan đã phối hợp hoàn thiện một số tồn tại về an toàn giao thông, đường gom... do gặp khó khăn vướng mắc về mặt bằng thời gian qua. Ngay khi được TP Đà Nẵng bảo vệ, hỗ trợ thi công tại 40 vị trí người dân ngăn cản trước đây, nhà thầu đã hoàn thành lắp đặt hơn 1,4 km hàng rào bảo vệ, đóng 45m tôn lượn sóng.

Cao tốc La Sơn- Túy Loan cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác đầu tháng 4 tới. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng).

Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1 dài khoảng 77,5 km, quy mô hai làn xe, nền đường rộng 12 m.

Dự án khởi công từ năm 2013 với tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng. Tuyến cao tốc có điểm đầu tại ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế), điểm cuối tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nối với đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Sẽ hoàn thành hai nút giao trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào năm 2023

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Hải Dương về tiến độ thực hiện dự án nút giao cắt giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài hơn 105 km đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: haiphong.gov.vn).

Trong quá trình triển khai, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở, bổ sung vào dự án các nút giao với đường tỉnh 392 (huyện Bình Giang) và đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà) thuộc địa phận tỉnh Hải Dương để đầu tư khi bố trí được nguồn vốn.

Tuy nhiên, Vidifi đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện các nút giao nêu trên.

"Theo đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương về việc hoàn thiện hai nút giao nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến phúc đáp, xác định việc đầu tư hoàn thành các nút giao đường tỉnh 392 và đường tỉnh 390 là cần thiết và thuộc thẩm quyền đầu tư của UBND tỉnh. Hiện nay, các nút giao đang được UBND tỉnh Hải Dương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ được hoàn thành năm 2023" Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Hơn 8.100 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai

Trong tuần qua, UBND TP Hà Nội cũng phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai dài 21,7 km.

Điểm đầu tại Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối tại điểm kết thúc thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Hiện trạng Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Mặt cắt ngang tuyến đường sau cải tạo là 50 - 60 m. Trong đó đoạn từ nút giao Ba La đến nút giao vành đai 4 có hai làn dành cho xe buýt nhanh (BRT) được bố trí sát dải phân cách giữa.

Dự án có 4 nút giao chính, 7 cầu đường bộ và một cống hộp (cống Tuân). 7 cầu cụ thể là Mai Lĩnh, Đồng Trữ, Tân Thượng, Quán Lát, Xuân Mai, Sông Bùi và Năm Lu.

Dự án  cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai có tổng mức đầu tư gần 8.113 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ.Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027. Diện tích sử dụng đất khoảng 120,6 ha.