Quy hoạch Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2030: Nha Trang là đô thị hạt nhân, đầu tư loạt cao tốc

Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế biển, là đô thị thông minh, phát triển bền vững; là một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.

Ngày 21/3 vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế biển, là đô thị thông minh, phát triển bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển và các lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao,...

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao,…

Nha Trang là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ giao các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Khánh Hoà chú trọng blập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Quy hoạch Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2030: Nha Trang là đô thị hạt nhân, đầu tư loạt cao tốc  - Ảnh 1.

Một góc TP Nha Trang. (Ảnh: Khải An).

Chính phủ giao lập mới và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW nhằm điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Trong đó, TP Nha Trang sẽ đóng vai trò là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng và huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Giai đoạn đến năm 2025, TP Nha Trang sẽ tập trung hoàn thiện các dự án phát triển đô thị tại các khu vực ưu tiên gồm khu sân bay cũ; khu vực Nam Sông Cái (phường Ngọc Hiệp); Tây Lê Hồng Phong (phường Phước Hải và một phần phường Phước Long); khu vực Phước Long - Vĩnh Trường - Vĩnh Nguyên; Tây Nha Trang (gồm các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh và một phần xã Vĩnh Hiệp); Khu vực Vĩnh Hiệp - Vĩnh Ngọc; - Khu vực Nam đường Phong Châu (thuộc xã Vĩnh Thái); Khu vực đảo Trí Nguyên và phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành (thuộc xã Phước Đồng).

Cùng với đó là phát triển các vùng kinh tế theo hướng tập trung phát triển đột phá ba vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, TP Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh. Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các tuyến phố thương mại, tài chính, du lịch. Đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics; đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; phát triển cảng hành khách, cảng hàng hóa quy mô lớn tại Vân Phong,...

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Nhiệm vụ của Nghị quyết nêu rõ việc tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch; Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; khu vực Bắc Vân Phong là đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, liên kết khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Đưa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á.

Phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo hướng: (i) Khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao,...; (ii) Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ,... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

Đầu tư loạt tuyến cao tốc

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từ nay đến 2026, Khánh Hòa sẽ thực hiện các dự án như tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang; Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; đường vành đai 3 Nha Trang;  đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707; đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa; nâng cấp và làm mới đường tỉnh lộ 6 - ĐT.651G (đoạn 2),...

Trước năm 2030 sẽ đầu tư tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT.24); sửa chữa, cải tạo nâng cấp quốc lộ 26B để kết nối đồng bộ đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Giai đoạn 2022 – 2030 sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông Khu kinh tế Vân Phong và đầu tư đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận

Sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.