Dự chi gần 22.000 tỷ đồng làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ có chiều dài 117,5 km, được ưu tiên đầu tư bằng vốn đầu tư công.

Theo Báo Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo đề xuất của Bộ, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Tổng chiều dài dự án là khoảng 117,5 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7 km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô là 4 làn xe, bề rộng 24,75m.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1, đoạn Km0+000 - Km7+700 có bề rộng nền đường 24,75 m; đoạn Km7+700 - Km117+500 có bề rộng nền đường 17 m; bề rộng cầu 17,5 m; công trình hầm mặt cắt ngang hai ống hầm, chiều rộng mỗi hầm 11,2 m; một số đoạn nền đường đào sâu, đắp cao đầu tư quy mô hoàn thiện bề rộng 24,75m. Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư mở rộng phù hợp theo quy mô quy hoạch.

Trên tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính và 7 cầu vượt ngang và 3 hầm, gồm: Phượng Hoàng Km33+200 dài khoảng 2.100 m; hầm Ea Trang Km43+600 dài khoảng 700 m và hầm Chư Te Km64+700 dài khoảng 70 0m.

Dự án đầu tư theo quy mô phân kỳ là khoảng 21.935 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 15.677 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 2.300 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 1.097 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.861 tỷ đồng.

Để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

 Dự kiến thời gian thi công kéo dài khoảng ba năm. Cụ thể, chuẩn bị dự án trong giai đoạn 2021 - 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Bộ Giao thông vận tải dự kiến chia dự án thành ba dự án thành phần. Trong đó, thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km cơ bản trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng sẽ do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. 

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) dài khoảng 37,5 km trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.