Vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh bao gồm Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Là một trong những vùng khó khăn nhất của Việt Nam, vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay đang được Chính phủ đầu tư nhiều về mặt hạ tầng giao thông, đặc biệt là sự xuất hiện của hàng loạt cao tốc mở đường phát triển cho vùng.
Hiện tại, vùng đang có các tuyến cao tốc đang được khai thác hoặc khai thác một phần bao gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai và hai đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trong đó, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện đang được khai thác dài 265 km. Tuyến này đi qua địa bàn 5 tỉnh thành là Hà Nội (12 km), Vĩnh Phúc (40 km), Phú Thọ (62 km), Yên Bái (65 km) và Lào Cai (83 km).
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có hai đoạn thành phần đi qua bao gồm cao tốc đoạn Hà Nội - Bắc Giang, có chiều dài 46 km, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 7 km, đoạn qua Bắc Ninh dài 19,8 km và đoạn qua Bắc Giang dài 19 km.
Nằm trên tuyến đường này, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, cầu Xương Giang (bắc qua sông Thương) cũng sẽ được mở rộng thêm một đơn nguyên mới, xóa nút thắt cổ chai trên tuyến Hà Nội - Bắc Giang.
Địa điểm thực hiện có điểm đầu thuộc địa phận phường Lê Lợi, TP Bắc Giang; điểm cuối thuộc địa phận xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang. Chiều dài nghiên cứu khoảng 1 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Cao tốc đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài là 107 km, bao gồm hai đoạn tuyến là đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng và đoạn Chi Lăng - Bắc Giang.
Đoạn Chi Lăng - Bắc Giang có chiều dài 64 km, trong đó đoạn qua Bắc Giang dài 22 km và đoạn qua Lạng Sơn dài 42 km với vận tốc thiết kế 100 km/h. Đoạn này hiện đang được khai thác.
Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài gần 60 km. Giai đoạn 1, đường được đầu tư phân kỳ 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 – 90 km/h. Đoàn này hiện đang được thi công xây dựng.
Ngoài các đoạn, tuyến cao tốc đang khai thác kể trên, hồi đầu năm, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối hai tỉnh Lạng Sơn - Cao Bằng cũng đã được khởi công xây dựng, tuyến có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với chiều dài 93 km.
Tổng mức đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng. Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) - CTCP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư.
Cùng thời gian đó, cao tốc Bắc - Nam đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng cũng đã được khởi công. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 60 km, qua hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô hai làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m.
Tổng mức đầu tư dự án 14.331 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.
Hồi trong năm 2023, hai tỉnh Tuyến Quang và Hà Giang cũng đã khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Tuyến đường này có tổng chiều dài 105 km (địa phận tỉnh Tuyên Quang 77 km, địa phận tỉnh Hà Giang 27,5 km).
Dự án có quy mô hai làn xe song phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Những năm tới, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 (nâng lên quy mô 4 làn xe) và đầu tư xây dựng đoạn kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).
Bên cạnh đó, vùng cũng có cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đi qua, tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, tuyến có chiều dài khoảng 34 km. Giai đoạn đầu, đường được thiết kế hai làn xe, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc 80 km/h.
Dự án được đầu tư hơn 8.240 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, còn lại hơn 1.750 tỷ đồng của Hòa Bình. Thời gian xây dựng từ năm 2024 - 2028.
Tuyến Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Sơn La có tổng chiều dài tuyến hơn 32 km. Tổng mức đầu tư của đoạn tuyến này là 4.930 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 3.400 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 1.538 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ năm 2025 - 2028. Thời gian thi công dự kiến phần cầu, đường khoảng 36 tháng.
Bên cạnh đó, có hai tuyến cao tốc khác cũng được đề cập đến trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm cao tốc Sơn La - Điện Biên và cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.
Trong đó, cao tốc Sơn La - Điện Biên có chiều dài khoảng 200 km, quy mô 4 làn xe, đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến từ TP Điện Biên phủ đi nút giao Km15+800 địa phận xã Búng Lao, huyện Mường Ảng với tổng chiều dài 50 km.
Đường xây dựng với quy mô đường cấp III miền núi, có mặt cắt ngang hai làn xe, bề rộng nền đường 9 m, trong đó trên tuyến dự kiến có hai vị trí xây dựng hầm xuyên núi. Giai đoạn hoàn hiện quy mô tuyến sẽ có 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, dải an toàn, dải phân cách…
Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có chiều dài khoảng 90 km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Bắc Kạn là 60 km, qua tỉnh Cao Bằng là 30 km. Theo Báo Bắc Kạn, đây là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, 4 làn xe với vận tốc từ 80 - 100 km/h.
Hướng tuyến theo quy hoạch cơ bản đi song song với QL 3 từ điểm đầu tại TP Bắc Kạn đi qua địa phận các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn sau đó đi qua ranh giới hai huyện Ngân Sơn và Thạch An (Cao Bằng).
Bên cạnh loạt dự án cao tốc kể trên, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đã tổ chức triển khai thi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn.
Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 29 km. Điểm đầu tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu), huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với QL 2C) huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp 3 miền núi vận tốc thiết kế 60km/h quy mô 2 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.665 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Hồi tháng 3, hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình cũng đã thống nhất phương án triển khai dự án đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) với QL 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
Dự án có chiều dài tuyến 88,5 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa khoảng 69km và đoạn qua tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 19,5 km.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.400 tỷ đồng; trong đó: đoạn qua tỉnh Thanh Hoá khoảng 8.500 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Hòa Bình khoảng: 6.900 tỷ đồng. Hai tỉnh dự kiến hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 9 tới.
Bên cạnh đó, một tuyến đường liên vùng khác hiện đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay là tuyến đường kết nối tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.
Tuyến dài khoảng 42 km, gồm hai đoạn là đoạn 1 dài hơn 4 km, kết nối với tỉnh Bắc Giang; đoạn 2 dài hơn 38 km, gồm tuyến chính nối từ nút giao Yên Bình (TP Phổ Yên) đến tỉnh lộ 261 thuộc huyện Đại Từ và hai tuyến nhánh nối với tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án này có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và bàn giao, đưa vào sử dụng trong quý II/2025.