Tuần qua, lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND một số tỉnh triển khai các cao tốc.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu – Tây Ninh như đề xuất của tỉnh này và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
Theo quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài khoảng 65 km, quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030.
Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ bắc xuống nam của tỉnh Tây Ninh kết nối với cao tốc TP HCM - Mộc Bài hiện đang được TP HCM và Tây Ninh phối hợp thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Khi hình thành, trục giao thông sẽ kết nối hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam; hai cửa khẩu chính Chàng Riệc, Kà Tum; nhiều cửa khẩu phụ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mekong.
Lãnh đạo Chính phủ có công văn đồng ý UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất. Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, giám sát UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện dự án phù hợp quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài tuyến 70 km, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.700 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng vừa đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan chủ quản dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Vào tháng 2, UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối với thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, và huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bằng nguồn vốn ngân sách.
Dự án gồm tuyến hấm và đường dẫn thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với chiều dài khoảng 8,8 km, trong đó dài hầm 2,5 km, đường dẫn và cầu dài 6,3 km. Điểm đầu dự án tại km78, quốc lộ 4D, điểm cuối thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng.
Dự kiến dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên được khởi công vào quý III/2022, hoàn thành và đưa vào khai thác giữa năm 2025.
Công trình sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường hiện đang sử dụng trên quốc lộ 4D khoảng 10 km từ huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đi thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và ngược lại.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định về việc dừng triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư (PPP) được phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 5/2019.
Lãnh đạo Chính phủ giao UBND các tỉnh Sơn La và Hòa Bình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (trong đó có hình thức đầu tư công) để tiếp tục triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo quy hoạch.
Vào tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 22.294 tỷ đồng. Thời gian triển khau dự án từ năm 2019 đến năm 2024. Vận hành, thu phí hoàn vốn dự án trong khoảng 26 năm, từ năm 2025 đến 2051.
Tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49 km (đi qua TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc) và trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 36 km (đi qua huyện Vân Hồ, huyện Mộc Châu).
Điểm đầu tại nút giao quốc lộ 6 tại Km66 700 thuộc địa phận xã Trung Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (tiếp nối với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 43 thuộc địa phận bản Muống, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Chiều 12/4, Hà Nội công bố thông tin hai đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố. Hai đồ án có quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những nội dung quan trọng của đồ án là mạng lưới giao thông ngầm. Hà Nội định hướng giao thông ngầm chủ yếu là hệ thống các tuyến đường sắt đô thị xây dựng ngầm, gồm 6 tuyến (2, 3, 4, 5, 7, 8) với tổng chiều dài khoảng 86,5 km, sâu trung bình khoảng 20 m. Dự kiến, có 81 ga ngầm (trong đó 7 ga tuyến số 2 và số 4 là ga kết hợp).
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104 ha, chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ, công trình xây dựng 3-4 tầng hầm, tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với chức năng thương mại dịch vụ.
Về không gian công cộng ngầm, thành phố xác định các đầu mối giao thông công cộng lớn (ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Đồ án có 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô (lịch sử và mở rộng) với tổng diện tích khoảng 954 ha. Định hướng bố trí các chức năng dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, gara ngầm gắn kết với các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trên tuyến.
Ngoài ra, đơn vị chức năng đề xuất 65 vị trí khuyến khích hình thành không gian ngầm tại các khu vực phát triển mới phía bắc sông Hồng và nam sông Hồng với tổng diện tích khoảng 2.171 ha.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.
Theo đó, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.535 tỷ đồng lên gần 3.248,7 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội.
Đồng thời, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ năm 2022 đến năm 2025.
Đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3 có chiều dài khoảng 3,4 km. Bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60 m, gồm 6 làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp tại hai đường đô thị song hành.
Điểm đầu tuyến tại điểm cuối nhánh rẽ phải từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào đường 70 thuộc nút giao Tứ Hiệp (nhánh N1A) và điểm cuối là nút giao với đường Vành đai 3.
Các hạng mục đầu tư chính bao gồm: Xây dựng nút giao bán hoa Tứ Hiệp; xây dựng đoạn tuyến từ nút giao Tứ Hiệp đến nút vành đai 3; xây dựng nút giao với đường vành đai 3; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông trên tuyến đường chính, các nhánh kết nối và hệ thống đường gom... bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Sáng 16/4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công dự án tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 13,6 km, điểm đầu tại nút giao giữa đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài với đường nối đến Khu tâm linh chùa Linh Phong thuộc thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát; điểm cuối giáp nối với dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 20,5 m, mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 17,5 m với hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng, là dự án giao thông đường bộ nhóm A, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Tuyến đường dự kiến sẽ được thi công xây dựng trong thời gian 32 tháng.
Công trình khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước với TP Quy Nhơn và cảng Quy Nhơn.
Sáng 15/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì về tiến độ thực hiện đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, địa phương vẫn còn ba tiêu chí chưa đạt gồm cân đối thu, chi ngân sách; mật độ giao thông đô thị và tiêu chí đất cây xanh công cộng trên địa bàn.
Dự kiến đến hết năm 2022, tỷ lệ tự cân đối thu, chi ngân sách của huyện đạt 63,6%; năm 2023 dự kiến đạt 77,5%; năm 2024 dự kiến đạt 98,7% và năm 2025 đạt khoảng 109,1%.
Giai đoạn 2021-2025, huyện đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông, trong đó có 28 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của huyện; 18 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của thành phố.
Sau khi hoàn thành 46 dự án này, dự kiến đến hết năm 2025, số km đường giao thông đô thị trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm khoảng 51,55 km/50,03 km, hoàn thành tiêu chí theo tiêu chuẩn quận.
Huyện Thanh Trì đang tập trung đầu tư 18 dự án hạ tầng cây xanh công cộng; 21 dự án kè ao hồ; 13 dự án trung tâm văn hóa kết hợp cây xanh công cộng tại các xã và các dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá, khu tái định cư.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Thanh Trì xác định quyết tâm phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện lên quận vào năm 2025.
Tuyến đường dài 66 km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) kéo dài đến xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Giai đoạn 1, dự án xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 với quy mô hai làn xe, bề rộng mặt đường 12 m và tốc độ thiết kế 60-80 km/giờ, xe máy không được phép lưu thông.
Hiện các phương tiện thô sơ không được lưu thông trên tuyến; các phương tiện khác chạy với vận tốc tối đa là 80km/h. Trong thời gian này, tuyến đường chưa tổ chức trạm thu phí.
Ở giai đoạn 2, dự án được mở rộng lên thành 4 làn xe với bề rộng mặt đường khoảng 24 m, tương đương với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan khởi công tháng 12/2013, có tổng chiều dài toàn tuyến 77,5 km nối từ ngã ba La Sơn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BT, do Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Ngày 13/4 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt Đề cương nhiệm vụ thực hiện Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Vào tháng 1/2022, BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án này.
Theo quyết định trên, phạm vi lập quy hoạch đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; có diện tích tự nhiên 228,32 km2 , dân số là 445.163 người. Thành phố Thanh Hóa hiện có 30 phường và 4 xã; huyện Đông Sơn có một thị trấn và 13 xã.
Thời gian thực hiện đề án sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2022 đến 1/4/2023.
Dự kiến 0h ngày 01/7/2023, TP Thanh Hóa mới (sau khi nhập huyện Đông Sơn) sẽ chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới.
Viện Quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa cho biết, TP Thanh Hóa được mở rộng theo hướng sáp nhập huyện Đông Sơn, nhằm kết nối trung tâm thành phố với cao tốc Bắc - Nam, bổ sung hướng phát triển liên kết thành phố trung tâm với khu vực phía tây Thanh Hóa.
Đồ án thể hiện rõ định hướng phát triển Thanh Hóa thành đô thị tổng hợp, động lực phát triển chủ yếu là dịch vụ, tập trung vào các lĩnh sức sau: Dịch vụ công; tài chính ngân hàng; thương mại và logistics; y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo; du lịch vui chơi giải trí, khoa học kỹ thuật.
Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, UBND thành phố vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM.
Theo đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư triển khai từ quý III năm nay và hoàn thành vào quý II/2024, dự kiến sẽ thi công hoàn tất toàn bộ dự án vào năm 2026.
Về nhu cầu giải ngân, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 61.056 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 31.380 tỷ đồng, ngân sách địa phương 29.676 tỷ đồng.
Giai đoạn tiếp theo là 14.322 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 7.361 tỷ đồng; ngân sách địa phương 6.961 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải TP HCM cũng cho biết đang đẩy nhanh tiến độ thi công để chuẩn bị đưa vào sử dụng ba công trình trước ngày 30/4 gồm: Cầu Thủ Thiêm 2; nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen và đường song hành Võ Văn Kiệt.
Ngoài ra, Sở cũng đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 3 TP HCM; tập trung hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án trọng điểm cao tốc TP HCM- Mộc Bài, vành đai 2; phấn đấu chạy thử tuyến metro số 1 cuối năm 2022.
Sang quý III, TP HCM dự kiến khởi công một số dự án giao thông trọng điểm như: Xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, kết nối với nhà ga T3,...
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024