Hà Nội sẽ có thêm 6 tuyến metro ngầm dài hơn 86 km

Với tổng chiều dài khoảng 86,5 km và 81 ga, các tuyến đường sắt đô thị ngầm sẽ được xây dựng ở nhiều trục đường lớn của Hà Nội.

Hà Nội vừa công bố thông tin về hai đồ án quy hoạch mà UBND thành phố vừa phê duyệt là Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố.

Hai đồ án nói trên đều có quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội, khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.

Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên.

 Sơ đồ bản vẽ quy hoạch giao thông ngầm đô thị trung tâm Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội).

Một trong những nội dung quan trọng của đồ án là mạng lưới giao thông ngầm. Hà Nội định hướng giao thông ngầm chủ yếu là hệ thống các tuyến đường sắt đô thị xây dựng ngầm, gồm 6 tuyến (2, 3, 4, 5, 7, 8) với tổng chiều dài khoảng 86,5 km, sâu trung bình khoảng 20 m. Dự kiến, có 81 ga ngầm (trong đó 7 ga tuyến số 2 và số 4 là ga kết hợp).

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104 ha, chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ, công trình xây dựng 3-4 tầng hầm, tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với chức năng thương mại dịch vụ.

Về không gian công cộng ngầm, thành phố xác định các đầu mối giao thông công cộng lớn (ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Đồ án có 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô (lịch sử và mở rộng) với tổng diện tích khoảng 954 ha. Định hướng bố trí các chức năng dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, gara ngầm gắn kết với các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trên tuyến.

Ngoài ra, đơn vị chức năng đề xuất 65 vị trí khuyến khích hình thành không gian ngầm tại các khu vực phát triển mới phía bắc sông Hồng và nam sông Hồng với tổng diện tích khoảng 2.171 ha.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy vào tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: Huy Hoàng).

Trong 9 tuyến đường sắt đô thị Thủ đô hiện tại, duy chỉ có tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và được đưa vào khai thác thương mại chính thức vào tháng 11 năm ngoái; tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành trong năm 2022, các tuyến còn lại mới chỉ được giải phóng một phần mặt bằng hoặc chưa được triển khai.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định xây mới các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; kết hợp xây dựng công trình dịch vụ, công cộng với xây dựng các ga đường sắt đô thị.

Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án này đều chậm so với dự kiến, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.