Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM. Báo cáo lần này đã chỉ ra một số tồn tại thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt đầu tư vào năm 2008, chiều dài tuyến chính hơn 13 km, gồm 12 ga trên cao và một khu depot, trong đó hai ga trung chuyển là ga Cát Linh và ga Đại học Quốc gia.
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào tháng 2/2016 và tháng 5/2017 là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc (13.867,1 tỷ đồng) và vốn đối ứng trong nước (4.134,4 tỷ đồng).
Lũy kế giá trị giải ngân tính đến hết kỳ thanh toán 62 (tháng 10/2021) là 731,25 trên tổng số 868,04 triệu USD, đạt 84,2%.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể vào tháng 3/2021 và đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Toàn bộ kết quả này đã được báo cáo gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP đã thống nhất chủ trương về kế hoạch bàn giao, tiếp nhận dự án. Hiện nay, đã tiến hành bàn giao một phần các văn bản pháp lý, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật... của dự án theo tiến độ chuyển giao.
Đánh giá về quá trình thực hiện, theo báo cáo của Chính phủ, dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.
Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến khảo sát, thiết kế, thi công, tiến độ và chi phí dự án; hợp đồng trọn gói (EPC) ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh do quy định tại Việt Nam chưa rõ ràng, thủ tục bổ sung hiệp định và hiệu lực hiệp định kéo dài, quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành.
Trên cơ sở hợp đồng EPC đã được ký kết và các quy định hiện hành, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo rà soát cụ thể khối lượng các hạng mục hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, thanh toán theo quy định nhằm hạn chế các vướng mắc phát sinh, sớm bàn giao cho UBND Hà Nội khai thác sau khi có ý kiến của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, để dự án được vận hành ngay sau khi bàn giao, tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp thực hiện công tác bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay nên tác động rất lớn và kéo dài thời gian huy động nhân sự của tổng thầu. Đồng thời, khi đưa các chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam sẽ phải thực hiện công tác cách ly y tế, do vậy cần thời gian tối thiểu khoảng 30 ngày thì các chuyên gia này mới có thể có mặt tại Việt Nam và bắt đầu thực hiện công tác vận hành dự án.
Do dự án chậm hoàn thành bàn giao nên UBND chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt. Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao dự án cho UBND Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để thành phố thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của dự án.
Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư trong tháng 10 này. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.