TP HCM vừa phản hồi tỉnh Đồng Nai về việc đề xuất giao địa phương này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, theo Zing.
Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM giai đoạn 2020-2030, giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ đầu tư giai đoạn 2 tuyến metro số 2, đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh.
Việc có đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đánh giá phù hợp, cần thiết.
Do đó, TP HCM đề nghị Đồng Nai phối hợp Bộ Giao thông vận tải đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan thực hiện dự án đường sắt nhẹ; đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp quy định về đầu tư, pháp luật.
Nếu các đơn vị đảm bảo đầy đủ điều kiện trên, TP HCM thống nhất đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 37,5 km, bắt đầu từ ga Thủ Thiêm TP Thủ Đức, TP HCM, điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến 40.566 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Hồi tháng 2, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ đề xuất này của UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai dự án đường sắt nhẹ nối TP HCM và sân bay Long Thành. Do tuyến đường đi qua địa phận TP HCM nên Bộ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với UBND TP HCM để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được xác định đầu tư trong Quy hoạch mạng lưới 9 tuyến đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng đưa dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.
Bộ Giao thông vận tải xác định đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành là một trong những dự án động lực nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành. Bộ đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu.
Sau khi dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, đã có một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gửi thư cho Bộ Giao thông vận tải bày tỏ quan tâm và mong muốn tham gia khâu lập báo tiền khả thi và đầu tư dự án này.