Vành đai kết nối mọi vành đai và cao tốc: Động lực phát triển mới cho vùng Thủ đô

Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 85.800 tỷ đồng, sẽ kết nối hệ thống vành đai và cao tốc hiện hữu, tạo động lực cho cả Bắc Bộ, khi Hà Nội là hạt nhân của vùng.

Ngày 20/5, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết bố trí hơn 23.500 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô. Dự án này sẽ được Quốc hội thảo luận và phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Như vậy, sau hơn một thập kỷ kể từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết, Hà Nội và các tỉnh liên quan sắp cơ hội hiện thực hóa siêu dự án vành đai này.

Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Đường vành đai 4 – vùng Thủ đô

Phối cảnh một đoạn đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. (Nguồn: VGP).

Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km, trong đó qua Hà Nội 58,2 km, tỉnh Hưng Yên 19 km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 85.800 tỷ đồng, dự án được chia thành ba nhóm dự án với 7 dự án thành phần, kết hợp hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến sẽ phân bổ cho dự án 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng. Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2027.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 đường vành đai, kết nối nội bộ và thông thương với các địa phương lân cận. Đến nay, vành đai 3 là tuyến duy nhất hoàn thành toàn bộ. Còn vành đai 4 đặc biệt hơn cả khi kết nối với tất cả các tuyến còn lại, có thể coi là "vành đai kết nối mọi vành đai và các cao tốc hướng tâm".

Thực tế hiện nay, trên các trục chính từ vành đai 3 đổ lại, các tuyến cửa ngõ và trung tâm Thủ đô thường xuyên xảy ra ùn tắc với thời gian kéo dài, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, Tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt.

Việc xây dựng và hình thành vành đai 4 sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường liên kết vùng, kết nối các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, đặc biệt cho tuyến vành đai 3.

Đầu tư xây dựng công trình này còn có mục tiêu tạo tiền đề để các tỉnh thành phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến nói riêng và vùng Thủ đô nói chung.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho cà vùng Thủ đô. (Đồ họa: Đức Bùi).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết quy hoạch vành đai vùng Thủ đô có ý nghĩa đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ, khi Hà Nội là hạt nhân và trung tâm vùng.

Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.

"Đối với Hà Nội, vành đai 4 còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là sân bay quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô", ông Tuấn cho hay.

Lãnh đạo thành phố cho biết thêm ở phía nam Thủ đô, dự án cũng sẽ kết nối với tuyến cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tuyến đường cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, sang cả Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Việc hình thành vành đai 4 còn mở ra khả năng phát triển các vùng được đô thị hoá, cho phép thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, đồng thời tạo ra quỹ đất hàng nghìn ha hai bên bên tuyến.

Nhìn nhận về tương lai khi dự án vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM đi vào hoạt động trong thời gian tới, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam. 

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng chân lý "đường thông" sẽ thể hiện ở ba điểm chính.

Đầu tiên là hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn.

Thứ hai là vận tải và các tuyến logistics sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, hình thành nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững.

Thứ ba, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dung sự kết nối bầu trời với thế giới. Qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá phát triển.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.