Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (23-29/5): Bàn phương án hoàn thành đường Hồ Chí Minh, các tỉnh chốt vốn làm cao tốc

Quốc hội xem xét, đánh giá kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, các địa phương ra nghị quyết bố trí vốn làm cao tốc, 4 tỉnh thành tống nhất phát hành trái phiếu làm vành đai 3 TP HCM, Đồng Nai không đồng ý làm cầu Mã Đà và đường xuyên rừng nối với Bình Phước, chấp thuận Vingroup và Techcombank nghiên cứu làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành,... là những thông tin quy hoạch nổi bật trong tuần qua.

Cần hơn 10.700 tỷ để hoàn thành nốt 171 km đường Hồ Chí Minh

Tuần qua, Quốc hội đã có các phiên thảo luận về dự án đường Hồ Chí Minh. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự án còn 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho ba đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo ba đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn); Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến) và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (nhu cầu vốn hơn 10.700 tỷ đồng).

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỷ đồng.

Trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần hai năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ việc chậm hoàn thành đường Hồ Chí Minh, làm giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến địa phương.

Các địa phương ra nghị quyết bố trí vốn làm cao tốc

Ngày 25/5, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết bố trí 670 tỷ đồng để trả 50% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Trước đó, ngày 24/5,  HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết bố trí hơn 2.600 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh.

Như vậy hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chi khoảng 3.270 tỷ đồng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, HĐND TP Cần Thơ đã thống nhất bố trí 1.061,5 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa bàn. 

HĐND tỉnh An Giang cũng đã thống nhất bố trí 1.380 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng bố trí 1.000 tỷ đồng và tỉnh Hậu Giang chi 823 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án này.

14 dự án giao thông quan trọng được phê duyệt đầu tư, chuẩn bị khởi công

Thông tin tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 5 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra vào ngày 26/5, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết, tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ dự kiến đầu tư 66 dự án khởi công mới.

Trong số các dự án được quyết định chủ trương đầu tư, đã phê duyệt đầu tư 14 dự án như cầu Rạch Miễu; nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ: QL32 Phú Thọ, QL12 Quảng Bình, QL7 Nghệ An, QL2 Tuyên Quang, QL31 Bắc Giang; QL1 và cầu Tam Kỳ; QL1 qua Bình Định, QL26 Khánh Hòa; đầu tư tuyến tránh TP Cao Bằng; nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn.

18/66 dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư có ba dự án quan trọng quốc gia gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

7 dự án nhóm A gồm cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cầu Đại Ngãi, logistics khu vực phía Nam; tuyến nối Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai; mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; nâng cấp một số quốc lộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (QL62, QL53, QL91B); đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

4 tỉnh thành tống nhất phát hành trái phiếu làm vành đai 3 TP HCM

Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đi thực tế khảo sát dự án đường vành đai 3 TP HCM tại các vị trí nút giao Bến Lức; Bình Chiểu và Tân Vạn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết việc xây dựng tuyến vành đai này 3 cũng như các tuyến cao tốc phía Nam là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, cả 4 tỉnh, thành phố có cao tốc đi qua đều thống nhất phương án phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án vành đai 3 TP HCM.

TP HCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm cùng các địa phương để thực hiện phát hành trái phiếu, đảm bảo kế hoạch vốn sẽ hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian TP HCM đến năm 2025).

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM gửi Quốc hội, đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư trên địa bàn TP HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá.

Cụ thể, TP HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Đồng Nai không đồng ý làm cầu Mã Đà và đường xuyên rừng nối với Bình Phước

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về nội dung tham gia ý kiến phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến giao thông qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển Thế Giới sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, các loài động vật quý hiếm, hệ sinh thái tự nhiên, phá vỡ cảnh quan, không phù hợp với chủ trương xuyên suốt về bảo vệ rừng của tỉnh Đồng Nai.

Phương án này ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Đây là tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ, có hệ sinh thái rừng đa dạng và nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Bản đồ quy hoạch đề xuất mở đường xuyên rừng và xây cầu Mã Đà (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai). 

Do vậy, địa phương không đồng ý thực hiện phương án xây dựng cầu Mã Đà và làm đường xuyên tâm khu bảo tồn.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đồng ý làm theo phương án kết nối tuyến ĐT.753 với đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng kết nối về đường vành đai 4 TP HCM (qua Bình Dương). Tuyến này tận dụng được các tuyến đường theo quy hoạch của tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Cự ly kết nối từ TP Đồng Xoài đến đường vành đai 4 ngắn nhất.

Chấp thuận Vingroup và Techcombank nghiên cứu làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản chấp thuận giao Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP,  phải nộp đề xuất dự án trước ngày 31/8.

Trước đó, liên danh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đề xuất thực hiện Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành  theo hình thức PPP.

Ngoài Vingroup và Techcombank, hiện nay Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đang nghiên cứu đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP.

Cao tốc đoạn Đắk Nông - Bình Phước có tổng chiều dài 212 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông 110 km, qua Bình Phước 102 km. Dự án có quy mô đầu tư 4 - 6 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h. Tổng mức đầu tư toàn dự án dự kiến hơn 26.600 tỷ đồng.

Doanh nghiệp do SCIC và Cơ điện lạnh REE thành lập muốn làm cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) mới đây đặt vấn đề với tỉnh Gia Lai về nghiên cứu dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

VIID được thành lập bởi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và CTCP Cơ điện lạnh (REE).

Khi tỉnh Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Bình Định đề xuất Chính phủ sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, VIID đã có văn bản và làm việc với tỉnh Gia Lai đề xuất được nghiên cứu, đề xuất một số dự án trên địa bàn, trong đó có dự án cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

 Hướng tuyến dự kiến của cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. (Ảnh: Google Maps). 

Tuyến cao tốc này dài khoảng 160 km, quy mô 4 làn xe với kinh phí đầu tư dự kiến 56.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu tư nút giao với quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku.

Phú Quốc xem xét mở rộng đô thị Dương Đông và An Thới

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc vừa có buổi làm việc nghe báo cáo phương án quy hoạch chung của TP Phú Quốc đến năm 2040.

Về định hướng phát triển không gian tổng thể, Phú Quốc sẽ có 12 phân vùng phát triển dựa theo các đặc điểm cảnh quan, sinh thái tự nhiên, đặc điểm địa hình và các điều kiện hiện trạng khác. Các phân vùng sẽ tận dụng các tiềm năng và cơ hội của mỗi khu vực đặc trưng trong khu vực lập quy hoạch.

Phú Quốc sẽ phát triển các khu đô thị du lịch và các khu chức năng tại các khu vực ven biển, ven sông, dọc các hành lang sinh thái tự nhiên.

Chủ tịch tỉnh lưu ý đơn vị tư vấn đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông, hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị cho Phú Quốc, đồng thời trong quy hoạch, cần lưu ý bảo vệ rừng quốc gia và quỹ đất nông nghiệp của thành phố.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển Phú Quốc thành đô thị loại 1 cần nghiên cứu mở rộng quy mô đô thị Dương Đông và An Thới; nghiên cứu lại việc lấn biển và quỹ đất của bờ đông đảo Phú Quốc.

Sắp làm đường nối TP Hạ Long với Lạng Sơn

Ngày 25/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nghe và cho ý kiến về dự thảo phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, trong đó có dự án đầu tư xây dựng, mở rộng đường tỉnh 342 từ TP Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn.

Đường tỉnh 342 dài hơn 60 km. Điểm đầu tuyến giao với TL.326 khu vực cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối tại khu vực Đèo Líu giáp ranh với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Chiều dài tuyến thuộc địa phận TP Hạ Long là 37 km, địa phận Ba Chẽ dài hơn 23 km.

Hiện tại, hiện trạng, đoạn từ đầu tuyến đến thôn Đông Trà, xã Đồng Lâm dài 13 km đang được giao cho UBND TP Hạ Long triển khai đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đoạn từ thôn Đông Trà, xã Đồng Lâm đến giáp tỉnh Lạng Sơn dài 47 km là đường cấp thấp, chiều rộng mặt đường là 3,5 km chưa có dự án đầu tư.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.