Theo Báo Giao thông, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) mới đây đặt vấn đề với tỉnh Gia Lai về nghiên cứu dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
VIID cho biết công ty được thành lập bởi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và CTCP Cơ điện lạnh (REE). Trong những năm qua, doanh nghiệp đã làm chủ đầu tư nhiều dự án như đầu tư xây dựng đường Trịnh Xá - Đa Hội và Khu đô thị và dịch vụ Vĩnh Kiều tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Khu đô thị mới Nam Lê Lợi tại TP Quảng Ngãi; dự án căn hộ cao cấp Platium Residences tại quận Ba Đình, Hà Nội,...
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, vừa qua, khi tỉnh Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Bình Định đề xuất Chính phủ sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, VIID đã có văn bản và làm việc với tỉnh Gia Lai đề xuất được nghiên cứu, đề xuất một số dự án trên địa bàn, trong đó có dự án cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hình thức đầu tư phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và pháp luật khác.
Liên quan đến dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai đầu tư tuyến đường trước năm 2030. Hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đều có quyết tâm cao để triển khai dự án.
Với đề xuất trên, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ cùng với Gia Lai tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư.
Trước đó, từ năm 2020, ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum đã ký kết tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.
Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km, quy mô 4 làn xe với kinh phí đầu tư dự kiến 56.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu tư nút giao với quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku.
Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn nếu sớm triển khai sẽ tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; giữa Gia Lai với các tỉnh Kon Tum, Bình Định. Khi hình thành, tuyến sẽ tạo thành trục Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với biển Đông.