VIID sắp làm Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh gần 39 ha ven quốc lộ 1A

Dự kiến từ quý II/2024, VIID sẽ bắt đầu thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh thuộc thị xã Đức Phổ. Trước đó, doanh nghiệp đã đầu tư một dự án tại Quảng Ngãi là Khu đô thị Nam Lê Lợi.

Phối cảnh khu đô thị Bắc Sa Huỳnh. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Hiện trạng chủ yếu là đất lúa

CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại ACT.

Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh được phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 12/2021, đến tháng 6/2022 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư với VIID.

Dự án có tổng diện tích là 38,7 ha. Phía Đông giáp tuyến đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 1A (phân chia dự án với khu trung tâm phường Phổ Thạnh); phía Nam giáp khu dân cư hiện hữu; phía Tây giáp tuyến đường tránh quốc lộ 1A (đường tránh Tây Sa Huỳnh); phía Bắc giáp suối Đập Cường và khu dân cư hiện hữu. Vị trí này cách cửa biển Sa Huỳnh khoảng 800 m về phía Đông Nam.

Hiện trạng khu vực dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, khu vực thực hiện dự án hiện tại chủ yếu là đất nông nghiệp trồng lúa, đất hoa màu, kênh mương thủy lợi và có một phần đất ở hiện trạng, đất nghĩa trang, đất giao thông, đất khác. Trong đó, đất trồng lúa chiếm hơn 26,3 ha; đất ở khoảng 0,6 ha; đất hoa màu khoảng 4,8 ha; đất mặt nước 2,7 ha; còn lại là đất nghĩa trang, giao thông, thuỷ lợi và đất khác.

Khu đất thực hiện dự án không có các công trình văn hóa, di tích lịch sử, các loài động thực vật quý hiếm cư trú và không có các nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất có giá trị kinh tế.

Khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư sẽ có giải pháp thoát nước thải, nước mưa dựa theo địa hình thoát nước tự nhiên khu vực để không ảnh hưởng đến các khu vực canh tác nông nghiệp lân cận và khu dân cư giáp ranh.

Nhà ở trong khu vực quy hoạch chủ yếu tập trung ở phía đông khu đất dự án, sát đường quốc lộ 1, khu vực này nhà ở có hình thức kiến trúc phần lớn theo kiểu nhà đô thị. Ngoài ra ranh giới phía Nam của dự án cũng tiếp giáp khu dân cư với hình thức kiến trúc nhà ở là nhà ở cấp 4 và nhà ở thuần nông.

Số lượng nhà tạm trong khu vực không nhiều (chiếm khoảng 8%), chủ yếu là chuồng nuôi gia súc hoặc nhà cơi nới để kinh doanh buôn bán với mái bằng tôn tạm bợ.

Trong khu vực dự án chủ yếu là đường đất phục vụ nông nghiệp. Có một đoạn đường bê tông vào khu dân cứ hiện hữu ở phía Nam dài khoảng 70 m, bề rộng khoảng 3 - 3,5 m. Hệ thống giao thông đối ngoại có quốc lộ 1A và tuyến tránh quốc lộ 1A (đường tránh Tây Sa Huỳnh), ngoài ra có tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Vị trí khu đô thị Bắc Sa Huỳnh nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Dành hơn 13 ha xây nhà ở, có 260 căn liền kề và biệt thự

Ở giai đoạn đầu tư, quy mô dân số của dự án sẽ là 4.000 người. Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án sẽ dành ra 13,9 ha xây các công trình nhà ở; 4,4 ha đất cây xanh mặt nước; 15,8 ha đất giao thông và 0,4 ha đất thương mại dịch vụ...

Dự án sẽ xây dựng công trình nhà ở thương mại tại 260 lô đất trên trục đường D4, N10A, N10B, N16A và N16B, trong đó có 245 lô đất xây dựng nhà liền kề và 15 lô đất xây dựng nhà biệt thự với tổng diện tích đất ở xây dựng là 4,2 ha, tổng diện tích xây dựng là 30.394 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 91.182 m2, tầng cao tối đa là 3 tầng.

Về tiến độ, dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý đến hết quý IV/2023. Từ quý I/2024 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến là 3 tháng; giai đoạn quý II/2024 - quý I/2027 triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật; từ quý II/2027 nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 884 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 112 tỷ đồng.

VIID làm ăn ra sao?

Về chủ đầu tư, theo tìm hiểu của người viết, VIID được thành lập vào tháng 6/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, có trụ sở tại quận Ba Đình, TP Hà Nội. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Đào Văn Duy.

VIID hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng tòa nhà chung cư, văn phòng, đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng đất nền.

Tính đến tháng 6/2015, doanh nghiệp có vốn điều lệ 410 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập là CTCP Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE) nắm 39,86% tỷ lệ sở hữu; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) nắm 45,14% và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama, mã chứng khoán: LLM).

Năm 2021, ông Nguyễn Thanh Tùng đã nhận chuyển nhượng hơn 20,7 triệu cổ phần tại VIID từ REE. Đến tháng 9/2022, cơ cấu cổ đông của VIID bao gồm SCIC (nắm 47,63%), ông Nguyễn Thanh Tùng (52,23%) và 0,14% còn lại thuộc các cổ đông khác. 

Vào tháng 10/2022, SCIC đã thông báo chào bán trọn lô 19,5 triệu cổ phần (tương đương 47,63%) đang sở hữu tại VIID với giá khởi điểm hơn 390 tỷ đồng, tương đương 20.000 đồng/cổ phần. Đến tháng 12 cùng năm, có một nhà đầu tư cá nhân đã đặt mua trọn lô cổ phần với giá 390,57 tỷ đồng.

 Phối cảnh dự án Platinum Residences của VIID. (Ảnh: VIID).

Bản công bố thông tin chào bán cổ phần VIID cho biết, thời điểm đó VIID không đầu tư triển khai thi công dự án nào mà chỉ quản lý và khai thác các sản phẩm còn lại của các dự án cũ và tìm hiểu cơ hội đầu tư khai thác dự án ở các tỉnh thành. 

Hoạt động chính của doanh nghiệp gồm cho thuê văn phòng, kinh doanh trông xe ô tô và đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong đó, hoạt động cho thuê văn phòng có doanh thu cố định hàng năm là 6,6 tỷ đồng, còn hoạt động trông xe ô tô có doanh thu hàng năm khoảng 1,7 tỷ đồng.

Với hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng, VIID đang chờ được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao đất phần còn lại của dự án Khu đô thị mới Nam Lê Lợi để đầu tư xây dựng hạ tầng và chuyển nhượng phần đất nền còn lại.

Dự án Nam Lê Lợi có diện tích sử dụng là 31,3 ha, tổng vốn đầu tư thực hiện gần 635 tỷ đồng, do VIID làm chủ đầu tư trực tiếp. Dự án thực hiện từ năm 2016, đến tháng 10/2022 đạt khoảng 94% tiến độ hoàn thành. 

Bên cạnh dự án này, VIID cũng có hai dự án tại Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm Tòa nhà văn phòng tại số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm (STD Tower) và Tòa nhà hỗn hợp cao tầng tại số 6 Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.

Ngoài ra, VIID cũng có các dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, gồm dự án Đức Giang, dự án Bắc Ninh. 

Về tình hình tài chính, được thành lập từ 2008 song từ 2014 thì VIID mới bắt đầu có doanh thu.

Theo báo cáo tài chính công bố, doanh thu thuần năm 2020 của VIID đạt 16,3 tỷ đồng, lỗ sau thuế 3,9 tỷ đồng. Năm 2021 doanh thu công ty sụt giảm còn 8,7 tỷ, tức giảm 46% do doanh thu mảng chuyển nhượng bất động sản, lỗ 3,8 tỷ đồng.

Tổng tài sản của VIID tính đến cuối năm 2021 là 673,5 tỷ đồng, trong đó 258 tỷ đồng là đầu tư vào công ty liên kết, hơn 160 tỷ là tiền và tương đương tiền. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn ghi nhận 223 tỷ, chiếm 92% tổng nợ phải trả. Công ty không sử dụng đòn bẩy tài chính.