Làm rõ thiệt hại khi dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ

Đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ làm rõ việc chậm hoàn thành đường Hồ Chí Minh, làm giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến địa phương.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án đường Hồ Chí Minh. Phó ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng nếu tuyến đường sớm thông suốt như thiết kế ban đầu vào thời hạn đã định, chắc chắn sẽ phát huy được tối đa hiệu quả. 

Nữ đại biểu đề nghị phân tích làm rõ, sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án đã làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả, ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước cũng như các địa phương, vùng miền mà dự án đi qua.

Qua 18 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, việc nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh năm 2020 như mục tiêu đề ra không thực hiện được, vẫn còn 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai.

 Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Yên băn khoăn tại sao trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ chỉ đề xuất bố trí vốn cho ba đoạn tuyến với tổng chiều dài 108 km, còn lại 171 km gồm đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Cổ Tiết - Chợ Bến; Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, lẽ ra phải ưu tiên nhưng lại chưa bố trí được vốn. Bà Yên cũng nêu ý kiến việc cơ quan chủ trì dự án nên có giải trình thêm với Quốc hội về việc không ưu tiên này hay sẽ chuyển tiếp giai đoạn 2025-2030.

Theo Phó ban Công tác đại biểu, Chính phủ cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để hoàn thành 171 km nói trên, kịp thông tuyến năm 2025.

Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nêu quan điểm khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần tính toán đến việc “đội giá” nguyên vật liệu kèm theo chi phí phát sinh, tăng chi phí đầu tư...

Đại biểu đoàn Kiên Giang Nguyễn Phương Tuấn cùng một số đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án thành phần trong báo cáo để đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn thuộc đoàn Hải Dương bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện chuyển đổi phương thức đầu tư dự án. Theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn La Sơn - Túy Loan thực hiện theo phương thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Đà Nẵng nên đoạn từ Hòa Liên - Túy Loan (dài khoảng 11 km) đã phải chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công.

Với phương thức chuyển đổi này, đại biểu Sơn đề nghị Bộ Giao thông vận tải nêu rõ hơn lý do chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ làm rõ việc chuyển đổi từ hình thức BT sang đầu tư công thì có được đưa vào Luật Đầu tư công không, tính hiệu quả của dự án, lưu lượng giao thông qua tuyến đường như thế nào?

Ông Nguyễn Phương Tuấn kiến nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, báo cáo rõ việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án ở đoạn La Sơn – Túy Loan có đúng theo quy định của Luật Đầu tư công hay không.

Sáng ngày 24/5, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh. Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài 2.744 km.

Đến nay các đơn vị đã hoàn thành 2.362 km, đạt 86% và 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại còn 171 km chưa bố trí được vốn (dự kiến cần 10.700 tỷ đồng).

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỷ đồng.

Đến năm 2020, đã bố trí 62.316 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 43.728 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (4.677 tỷ đồng cho dự án chuyển tiếp, 4.686 tỷ đồng khởi công mới hai dự án thành phần, 7.343 tỷ đồng thanh toán dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.