Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (6-12/6): Quốc hội cho ý kiến về 5 dự án giao thông quốc gia, chưa có kế hoạch làm đường Hồ Tây - Ba Vì

Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về ba dự án cao tốc phía Nam, đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP HCM; phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề giao thông; kế hoạch của Hà Nội về đường Hồ Tây - Ba Vì; Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai phạm trong quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu; xem xét chủ trương đầu tư một số cao tốc,... là những thông tin quy hoạch nổi bật trong tuần.

Thảo luận về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia 

Tuần qua, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội tờ trình về Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cụ thể, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.

Theo tính toán của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng.

Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026-2030 khoảng 24.339 tỷ đồng.

Hai dự án vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP HCM cũng được Quốc hội thảo luận để cân nhắc thông qua chủ trương đầu tư.

Chính phủ dự kiến thời gian thực hiện hai dự án từ năm 2022 và hoàn thành vào năm 2027. Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng đảm bảo quy mô 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành. Ở giai đoạn 1 sẽ đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc 80 km/h và đường song hành.

Theo phương án trình Quốc hội, Chính phủ sẽ đầu tư toàn bộ tuyến vành đai 3 TP HCM bằng ngân sách với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, đồng thời góp ngân sách vào dự án vành đai 4 Hà Nội (theo cơ chế BOT) với mức góp là 56.366 tỷ đồng.

Quy hoạch cao tốc không đồng đều, giá vật liệu tăng cao, xử lý BOT Bắc Thăng Long làm ‘nóng’ nghị trường

Tại phiên chất vấn vào tuần qua, đại biểu Quốc hội đề cập tới việc xây dựng chậm, phân bổ không đồng đều giữa các tuyến cao tốc giữa các vùng miền, nhất là "trắng" cao tốc tại các vùng kinh tế như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục khi tình trạng trên kéo dài hàng chục năm qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, Chính phủ đặt mục tiêu làm 5.000 km cao tốc để cân đối giữa các vùng, miền và khai thác tiềm năng các vùng.

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tình trạng khan hiếm, giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án cao tốc.

Tư lệnh ngành giao thông thừa nhận xử lý triệt để vấn đề tăng giá vật liệu xây dựng rất khó do giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu từ thị trường thế giới. Bộ trưởng cũng cho biết trong điều kiện vật giá tăng vọt, cũng có một số nhà thầu có tư tưởng chần chừ, trông chờ vật tư, vật giá xuống.

Trước chất vấn của đại biểu trong sáng 9/6 về dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất phương án cho nhà đầu tư tiếp tục thu phí để thu hồi đủ vốn và sau đó đóng trạm, hoặc Nhà nước phải mua lại một phần dự án theo hợp đồng đã ký, ưu điểm là có thể kết thúc ngay việc thu phí.

Sẽ chuyển đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho Hà Nội làm metro

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào chiều 9/6, Bộ trưởng cho biết, dự án này tổ hợp ga Ngọc Hồi liên quan đến đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Vừa qua, Bộ đã thống nhất chuyển đoạn Yên Viên - Ngọc hồi để Hà Nội làm đường sắt đô thị (metro).

Đối với đoạn đường sắt Bắc Nam tốc độ cao, đến Ngọc Hồi sẽ dừng lại, sau đó sẽ đi tránh về phía Tây để kết nối ra khu vực phía Bắc.

Sắp tới, các bên sẽ rà soát lại nhu cầu của Hà Nội ở ga Ngọc Hồi, sau đó mới triển khai tiếp tổ hợp này. Tổ hợp này rộng 151 ha, hiện đã thu hồi 123 ha, song còn vướng thủ tục xác định quy mô metro, đường sắt quốc gia.

Khu Tổ hợp Ngọc Hồi là một thành phần nằm trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1 (Đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi) sử dụng chung giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị với quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm. Tính đến tháng 10/2021, Bộ Giao thông vận tải cho biết tổng giá trị giải ngân cho dự án này là 1.097 tỷ đồng.

Hà Nội chưa có kế hoạch làm đường Hồ Tây - Ba Vì

Trong văn bản trả lời cử tri quận Nam Từ Liêm về việc bao giờ hoàn thành đường Hồ Tây - Ba Vì theo quy hoạch, UBND TP Hà Nội cho biết hiện nay, trục đường Hồ Tây - Ba Vì được xác định theo quy hoạch với chiều dài khoảng 39,21 km với mặt cắt ngang trung bình 50 m. Đây là tuyến đường quan trọng của Thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay, thành phố đang tập trung nguồn lực triển khai đầu tư các dự án có tính chất liên vùng như vành đai 4, vành đai 3,5..., các dự án có tính cấp bách giảm ùn tắc giao thông.

Theo UBND TP Hà Nội, khi thực hiện dự án trục đường Hồ Tây - Ba Vì, các ngành chức năng sẽ tổ chức công bố quy hoạch, dự án để nhân dân biết.

 Điểm đầu của trục Hồ Tây - Ba Vì. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Cuối năm sẽ khởi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2

Chiều ngày 9/6, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000 km.

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các dự án lớn sau: Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km; tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này 5 tuyến cao tốc dài 549 km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km; tới nay đã hoàn thành 1.290 km.

Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong ba năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023. Trong đó năm 2022 phấn đấu hoàn thành 361 km.

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù. Toàn bộ 729 km sẽ được khởi công vào cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau. 

Nhiều sai phạm trong quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ nhiều cấp ở Hà Nội tùy tiện điều chỉnh quy hoạch là một trong những nguyên nhân "băm nát" quy hoạch ở tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Kéo dài khoảng 2 km, đường Lê Văn Lương (Hà Nội) mọc lên tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến và tiếp đó, đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự. Tuyến đường rộng, đẹp nhưng luôn quá tải về hạ tầng đã biến nơi đây thành “điểm nóng” của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm.

  Đường Lê Văn Lương nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Nguyên nhân chính là những sai phạm nghiêm trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, buông lỏng quản lý xây dựng.

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, về quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chấp thuận, điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án thiết kế, việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án đã vi phạm khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước.

Thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cao tốc Kon Tum - Quảng Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về nghiên cứu đầu tư đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam và cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam.

Thông báo nêu rõ vùng phía tây tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có điều kiện tốt để phát triển công nghiệp thủy điện, nông lâm nghiệp, dược liệu, khai thác khoáng sản, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái..., đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang kết nối với nước bạn Lào có tiềm năng phát triển thông thương hàng hóa rất lớn.

Việc kết nối giao thông tốt sẽ tạo điều kiện cho các vùng phát triển kinh tế, thông thương hàng hóa với các nước Lào, Campuchia và Thái Lan, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng phía tây Trường Sơn. Tuy nhiên, đường giao thông kết nối đến cảng biển còn nhỏ hẹp, xuống cấp, cản trở rất lớn đối với sự phát triển của Quảng Nam, Kon Tum và các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường nêu trên. Tuy nhiên, để có phương án tối ưu nhất cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các mặt, trong đó khảo sát kỹ địa hình để lựa chọn hướng tuyến phù hợp, trên nguyên tắc thẳng nhất và ngắn nhất có thể, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng.

Đồng Nai duyệt quy hoạch phân khu 1.700 ha tại TP Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai vừa duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Phân khu B4 tại phường Long Bình, phường Tân Biên, phường Tân Hòa theo quy hoạch chung TP Biên Hòa.

Phân khu B4 có diện tích 1.716 ha, trong đó phường Long Bình khoảng 1.399 ha, phường Tân Biên khoảng 222 ha và phường Tân Hòa khoảng 95 ha. Quy mô dân số khoảng 142.000 - 146.000 người.

Ranh giới phía bắc giáp phân khu B2 và B2 tại các phường Tân Hiệp, Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa, TP Biên Hòa và xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom; phía am giáp phân khu B5 tại phường Long Bình; phía tây giáp phân khu A1, A3 tại phường Tam Hòa, Bình Đa và An Bình; phía đông giáp xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.

Đây là thành phần thuộc khu vực trung tâm của khu đô thị trung tâm mở rộng phía đông, đóng vai trò đặc biệt trong thực hiện các mục tiêu về phát triển nhà ở, công nghiệp, dịch vụ và không gian, cảnh quan môi trường,...

Phân khu B4 được chia làm ba tiểu khu, gồm 12 ô quy hoạch để kiểm soát phát triển.

Xem xét chủ trương đầu tư 60 km cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư.

Theo kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60 km, bắt đầu từ Km0+000, giao với quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Tuyến kết thúc tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại khoảng Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Tuyến đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng giao Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Bộ Giao thông vận tải trình, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nội dung dự án về phù hợp với quy định của pháp luật và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 8.365 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 4.962 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.287 tỷ đồng.

Cùng chủ đề
chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.