Hai phương án xử lý trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài

Trước chất vấn của đại biểu về dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất phương án cho nhà đầu tư tiếp tục thu phí để thu hồi đủ vốn và sau đó đóng trạm, hoặc Nhà nước phải mua lại một phần dự án theo hợp đồng đã ký, ưu điểm là có thể kết thúc ngay việc thu phí.

Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài là trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), do CTCP BOT Vietracimex 8 làm chủ đầu tư. Được đặt trên địa bàn Hà Nội nhưng lại thu phí cho tuyến đường ở tỉnh Vĩnh Phúc, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài từ nhiều năm qua đã gây bức xúc cho người dân Thủ đô. 

TP Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ Giao thông vận tải dừng thu phí và di chuyển trạm thu phí này về vị trí đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), bởi đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. 

Trạm BOT gây bức xúc

Sáng 9/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu đoàn Bình Định Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề hai năm trước, Bộ trưởng có văn bản trả lời về kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt. Đây là trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa nhận trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài gây nhiều bức xúc tại Hà Nội. Bộ cũng đã có những phương án kết thúc trạm BOT này.

Trạm đặt tại Km10 đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh, Hà Nội. Người dân bức xúc vì vị trí này nằm ngoài phạm vi dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Zing).

"Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thời điểm tôi trả lời đại biểu thì nó sắp xong rồi, nhưng sau đó là giai đoạn dịch bệnh Covid-19, có thời điểm gần như không có xe đi trên đường khiến doanh thu BOT sụt giảm", ông Thể trình bày.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết nguyên tắc ứng xử với BOT theo hợp đồng là khi doanh thu tăng thì có thể giảm thời gian thu phí 3-5 năm. Còn dự án gặp khó khăn vướng mắc doanh thu thì cũng phải điều chỉnh thời gian để đảm bảo hài hòa.

Tư lệnh ngành giao thông cũng cho biết sẽ tiếp thu, xem xét, làm sao đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư và người dân.

“Chúng tôi là cơ quan quản lý, chẳng có quyền lợi gì trong việc này, nhưng phải giám sát làm sao để người dân không thiệt và nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng", ông Thể nói thêm.

Tiếp tục thu phí hoặc Nhà nước mua lại một phần để đóng trạm

Liên quan dự án BOT này, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Hải Trung cung cấp thông tin về việc có một nhóm phản đối dự án đang hoạt động trên mạng và cả ở địa bàn, gây phức tạp và mất an ninh trật tự. Do đó, ông đề nghị Bộ trưởng Nguyên Văn Thể thông tin rõ việc rà soát BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài sẽ kéo dài đến khi nào để người dân nắm được.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết có hai giải pháp xử lý với dự án BOT Bắc Thăng Long – Nội. Một là cho nhà đầu tư tiếp tục thu phí để thu hồi đủ vốn và sau đó đóng trạm. Giải pháp thứ hai là Nhà nước phải mua lại một phần dự án theo hợp đồng đã ký, ưu điểm là có thể kết thúc ngay việc thu phí.

Dự án gây bức xúc cho người dân khi đoạn tuyến thu phí cả các phương tiện đi trên tuyến đường Bắc Thăng Long, qua xã Phú Cường (Sóc Sơn) vốn được làm bằng kinh phí Nhà nước và hiện do TP Hà Nội quản lý, nhưng do trạm BOT án ngữ yết hầu nên người dân dù không đi vào tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên vẫn phải nộp tiền. (Ảnh: Zing).

Thông tin thêm, ông Thể cho hay Bộ Giao thông vận tải đã rà soát tổng thể 70 trạm thu phí BOT và nhận thấy 21 trạm thu phí còn tồn tại bất cập.

"Nếu không có nguồn lực là chúng ta không giải quyết được. Như trạm Điểm Sơn trên quốc lộ 1 thì thu cho tuyến tránh Thanh Hóa. Tuyến tránh Thanh Hóa dài hơn 10 km thì có mười mấy ngã giao cắt mà đi mười mấy km đó cũng không rút ngắn được thời gian bao nhiêu. Do đó, nếu chúng ta bắt thu phí trên tuyến tránh thì không thể nào hoàn vốn được. Còn thu trên trạm Điểm Sơn là vi phạm, do đó phải có giải pháp về mặt nguồn vốn", ông Thể chỉ ra bất cập.

Chưa phát hiện lợi ích nhóm khi triển khai BOT

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí cho hay đã từng chất vấn Bộ trưởng về triển khai thu phí không dừng. 

“Cử tri cho rằng ở đây có “sự gian lận, lợi ích nhóm”. Chúng ta phải trả lời “có thật” hay không và phải có biện pháp gì để ngăn chặn nếu có. Và cuối cùng, từ đó phải rút ra được kinh nghiệm gì để triển khai BOT trên toàn quốc?”, ông Trí đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi có hay không dấu hiệu “lợi ích nhóm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh thu phí không dừng là vấn đề liên quan tới người dân, rất nhạy cảm. Các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an cũng rất quan tâm vấn đề này.

“Chúng tôi hiện chưa phát hiện “lợi ích nhóm” giữa cơ quan nhà nước với các nhà đầu tư. Bởi các nhà đầu tư gần như độc lập toàn bộ. Nếu có cá nhân nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này còn riêng chúng tôi biết được số liệu nghe báo cáo như vậy”, Bộ trưởng Thể cho biết.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.