Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng nay (6/6), đại biểu đoàn Hà Nội Dương Minh Ánh và đoàn Quảng Bình Trần Quang Minh hỏi về việc khan hiếm cục bộ nguyên nhiên vật liệu tại các dự án giao thông đường bộ, dự án cao tốc, khiến nhà thầu gặp khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp và thời gian để xử lý vấn đề này, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết do ảnh hưởng xăng dầu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Hai Bộ Giao thông vận tải và Xây dựng đã báo cáo Chính phủ. Bộ Xây dựng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường.
Hiện theo quy định thông báo giá của địa phương là sau 1-3 tháng. Đã có 37 địa phương thông báo giá hàng tháng, còn lại đều thông báo ba tháng một lần. Ông Thể đề nghị các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn.
Dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, địa phương thông báo kịp thời thì sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư và nhà thầu.
"Chúng tôi mong muốn nửa tháng thông báo giá một lần, nhưng như vậy nhiều vật tư biến động, gây áp lực lớn cho Sở Tài chính địa phương", ông Thể nói và cho biết sẽ cùng các bộ, ngành có phương án xử lý tốt nhất.
Còn xử lý triệt để thì rất khó do giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu từ thị trường thế giới.
Điều hành phiên chất vấn về lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm là do tăng giá vật liệu, nhà thầu cho biết, nếu làm thì sẽ không đủ phương án tài chính.
“Thực tế như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và như Quốc hội nắm được, đối với các dự án này, các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá, chậm ở đây là do thủ tục, quy trình thôi, có phải thế không? Hay là các nhà thầu thiệt thòi. Cho nên phải nói cho rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. (Ảnh: Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “dư luận và nhân dân nghĩ rằng, bây giờ ký hợp đồng và chọn thầu xong mà giá cao như thế thì nhà thầu như thế nào? Tất cả đều là hợp đồng điều chỉnh giá. Bây giờ trách nhiệm việc điều chỉnh giá có phải do giá tăng, giá giảm hay không? Các bộ, ngành, địa phương, giải pháp khắc phục tới đây như thế nào?”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị vấn đề này cần phải tường minh, tránh hiểu nhầm là nhà thầu bị thiệt thòi khi nhận công trình làm cho nhà nước, bây giờ giá tăng nên thua lỗ, thực tế hoàn toàn không có chuyện đó.
Liên quan đến việc sử dụng cát biển để đắp nền đường khu vực đồng bằng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đất là rất thiếu, vấn đề hiện nay là cần nghiên cứu, thử nghiệm quy trình, quy phạm như thế nào để có thể sử dụng. Và không phải cứ lấy cát biển lấp vào là lấp được, ngay cả về tiêu chuẩn, định mức, quy trình, quy phạm, thiết kế sơ bộ, thiết kế cơ sở… Đây là những vấn đề lớn về cung ứng vật liệu.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có giải pháp cho vấn đề này, trong quá trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội thì cần làm rõ hơn nội dung này.
Tranh luận giải pháp hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, đại biểu đoàn Thanh Hóa Vũ Xuân Hùng cho biết Thủ tướng chỉ đạo phải hoàn thành 360 km cao tốc Bắc Nam trong năm 2022 và trước tiến độ ba tháng. Chính phủ cũng đặt yêu cầu trong năm 2024 phải hoàn thành 650 km cao tốc.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng chất vấn sáng nay. (Ảnh: Quốc hội).
Tuy nhiên, ông lo lắng hiện nay giá xăng dầu, sắt thép đều tăng cao. Hiện giá các gói thầu so với giá trúng thầu của cao tốc Bắc Nam tăng 20-30%, nguồn vật liệu thiếu hụt. Trong 6 dự án cao tốc còn thiếu 12,5 triệu m3. Các dự án này địa phương có kế hoạch nhưng mỏ cung cấp vật liệu thì rất khan do việc khan hàng, ép giá, tăng giá...
"Tư lệnh ngành có nhiệm vụ chỉ đạo hoàn thành cao tốc Bắc Nam trong năm 2022, mục tiêu 2024, vậy giải pháp cụ thể của Bộ trưởng thế nào để đảm bảo tiến độ", ông Hùng chất vấn.
Trả lời đại biểu Vũ Xuân Hùng về những khó khăn khi triển khai cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ trưởng Thể cho biết giai đoạn 1 đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay. Các dự án này tiến độ bình quân đạt được hiện nay khoảng 58%, Thủ tướng chỉ đạo rút ngắn thời gian 3 tháng, nhưng thực tế Bộ sẽ tập trung, rút ngắn ở một số dự án, còn một số dự án do vướng mắc chưa thể điều chỉnh được.
Có hai dự án đáng lo nhất là Phan Thiết - Vĩnh Hảo hiện đạt tỷ lệ khoảng 40%, đang phấn đấu đến 30/6 sẽ đạt khoảng 50,8%. Thứ hai là dự án Dầu Giây - Phan Thiết, hiện đạt tỷ lệ 45%, cố gắng hoàn chỉnh phần nền đất trong tháng 6 để tháng 7-8 tập trung thảm nhựa.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ họp giao ban hàng tháng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là trưởng ban chỉ đạo các công trình trọng điểm đều có họp kiểm điểm tiến độ, xem một tháng làm được gì, chậm ở đâu, lý do. Riêng Bộ hàng tuần các thứ trưởng đều phải đi công trường, nửa tháng họp một lần để kiểm tra, giám sát tiến độ để kịp thời giải quyết khó khăn. Hiện Bộ Giao thông phấn đấu cuối năm sẽ đưa 361 km của 4 đoạn này hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Tư lệnh ngành giao thông cho biết cũng còn nhiều khó khăn liên quan thời tiết, phía Nam đang mưa. Vật giá đều tăng nên nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để thông báo giá của địa phương kịp thời và điều chỉnh. "Với những giải pháp đó, chúng tôi hy vọng trong năm nay hoàn thành 361 km cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1", ông Thể cho hay.
Chất vấn tại Phiên họp, đại biểu đoàn Tuyên Quang Âu Thị Mai cho biết trước tình hình hình giá nguyên vật liệu, nhiên liệu hiện nay tăng cao, đề nghị Bộ trưởng làm rõ có hay không hiện tượng các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ sự điều chỉnh giá nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia hay không. "Nếu có thì Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng nêu trên?', bà Mai đặt câu hỏi.
Đại biểu Âu Thị Mai đặt câu hỏi. (Ảnh: Quốc hội).
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay trong điều kiện vật giá tăng vọt, cũng có một số nhà thầu có tư tưởng chần chừ, trông chờ vật tư, vật giá xuống.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ rất nghiêm khắc, cần phải có trách nhiệm đối với ngân sách của Nhà nước, địa phương và với các dự án trọng điểm. Do đó, không được chần chừ trong triển khai thực hiện dự án.
Bộ đã giao Ban Quản lý dự án phối hợp với nhà thầu kiểm soát nhật ký công trình, nghiệm thu cơ sở để xác định thời điểm thi công làm cơ sở để làm thanh quyết toán sau này và có điều chỉnh giá theo thời điểm.
Thời gian vừa qua, dựa án Mỹ Thuận - Cần Thơ, khi giá cát lên cao, các nhà thầu cũng có dấu hiệu thi công cầm chừng, Bộ đã xây dựng kế hoạch với nhà thầu, cam kết nếu không đảm bảo tiến độ sẽ cắt hợp đồng, cấm tham gia thầu trong dự án giao thông trên cả nước. Đây là những dự án trọng điểm và được bố trí ngân sách phải thực hiện theo hợp đồng, và có những biện pháp hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Đối với một số dự án ở cao tốc Bắc - Nam phía Đông ở Bình Thuận cũng có trường hợp tương tự, Bộ đã cắt khối lượng khoảng 16 km của nhà thầu đi kèm các chế tài theo quy định của pháp luật, đảm bảo tất cả các nhà thầu đã ký hợp đồng phải thực hiện nghiêm tiến độ.
Nếu khó khăn phải đề xuất để phối hợp giải quyết, không thể vì lý do vật giá mà làm chậm tiến độ dự án.