Cao tốc Bắc - Nam vẫn khó khăn về vật liệu đất đắp

Thông tin về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành dự án đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng.

Thi công tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Trong đó, 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 (gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng.

Các dự án kế hoạch hoàn thành năm 2023 gồm 4 dự án: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm và dự án cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng. Có 2 dự án kế hoạch năm 2024 gồm Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay, thời điểm hiện tại, việc thi công một số dự án thành phần vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu m3 chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác.

Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn tỉnh Ninh Bình) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,4 triệu m3. Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn tỉnh Khánh Hòa) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,8 triệu m3. Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn tỉnh Ninh Thuận) chưa cấp phép khai thác khoảng 2 triệu m3.

Lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng cho hay, ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) còn 1 mỏ đất với trữ lượng 0,11 triệu m3 đã được cấp phép ngày 4/4/2022 nhưng chưa được khai thác do nhà thầu đang thực hiện các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất…

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành và đưa vào khai thác một dự án vào đầu năm 2022 là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (nối Nam Định với Ninh Bình).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.