Hôm nay (10/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư đường vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá đường vành đai 3 TP HCM sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM.
Về khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Nghĩa nêu dẫn chứng về việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư.
Do đó, đại biểu đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.
“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Trần Văn Tiến cơ bản đồng tình với việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của đường vành đai 3 TP HCM. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc, hạn chế nhưng mặt cắt ngang giữa hai tuyến đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM lại rất khác nhau.
Ông Tiến cũng đề nghị làm rõ tại sao đối với đường vành đai 3 lại đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đồng thời, cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư giữa đầu tư công và đầu tư theo đối tác công - tư đối với đường vành đai 3 trước khi quyết định chủ trương đầu tư.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ đầu tư hai dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17 m và 19,7 m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Đại biểu đề nghị cân nhắc vấn đề khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Về phương án thu hồi vốn đầu tư đường vành đai 3 TP HCM, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất đầu tư công nhưng sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được chuyển giao thu phí để thu hồi vốn tái đầu tư cho các công trình khác nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước là hợp lý, cũng là chủ trương xã hội hóa đường giao thông.
Sơ đồ đường Vành đai 3 TP HCM. (Ảnh: Báo Pháp Luật TP HCM)
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hai dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM đều quan trọng với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP HCM.
Về quy mô dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ Vành đai 3 TP HCM quy mô 8 làn xe vì đã căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của của giai đoạn 1.
Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng cho biết nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông.
Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 3 TP HCM mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó đã chuyển sang đầu tư công.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM trình Quốc hội xem xét thông qua.