Nhiều cơ chế đặc biệt được đề xuất cho vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP HCM

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc biệt như nguồn vốn đầu tư, chỉ định thầu, khai thác mỏ... để làm  đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.

Ngày 6/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ,  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM.

Tách riêng giải phóng mặt bằng

Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).

Dự án đường vành đai 4 áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP.

 Sơ đồ vành đai 4 kết nối các cao tốc hướng tâm. (Đồ họa: Đức Bùi).

Còn vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km (đoạn qua TP HCM 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km, Long An 6,81 km). Dự án áp dụng hình thức đầu tư công được chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.

Các tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành hai bên. Riêng đường vành đai 4 giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.

Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp với các giải pháp đầu tư và nguồn lực giai đoạn đầu tư phiên kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Bản đồ tổng thể các nút giao ra vào cao tốc tại dự án vành đai 3. (Nguồn: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM).

Tờ trình của Chính phủ cho biết, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, vành đai 3 TP HCM có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến thời gian thực hiện hai dự án trong giai đoạn 2022 - 2027, đồng thời đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai đầu tư các dự án.

Sẽ thu phí đối với dự án đường vành đai 3 TP HCM

Chính phủ đề xuất cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025) đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bố tương ứng các dự án; cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn; tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Cho phép giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết; cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong hai năm (2022-2023).

Trong thời gian thực hiện dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đối với vành đai 3 TP HCM, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư dự án cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo phần vốn góp đầu tư.

TP HCM và các tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của dự án và sẽ báo cáo Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Cam kết trách nhiệm thực hiện bảo đảm tiến độ

Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết đầu tư hai dự án này.

Về nguồn vốn, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải và nguồn ngân sách chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cơ bản hoàn thành hai dự án này là phù hợp với mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Về ngân sách địa phương, ông Thanh cho biết đến nay, HĐND các địa phương đã ban hành các nghị quyết cam kết bố trí vốn cho hai dự án này. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho các dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hai dự án.

chọn
Những dự án sắp ra mắt của Vincom
Dự kiến giai đoạn quý II - quý IV/2024, Vincom sẽ khai trương 6 dự án, gồm Vincom Mega Mall Grand Park; Vincom Plaza Hà Giang; Vincom Mega Mall The Empire; Vincom Plaza Điện Biên Phủ; Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị và Vincom Plaza Bắc Giang.