Ngày 31/5, đường vành đai 3 TP HCM sẽ được trình và thảo luận tại Quốc hội. Đây là dự án quan trọng quốc gia và TP HCM là đơn vị được Thủ tướng giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thông tin từ Zing, lãnh đạo TP HCM cho biết nội dung được điều chỉnh cuối cùng trước khi trình ra Quốc hội là nguồn vốn, nguồn vốn ngân sách địa phương được điều chỉnh từ phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại, thành các địa phương sẽ chủ động, cân đối nguồn vốn tại thời điểm lập ngân sách Nhà nước hàng năm.
Các trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.
Về cơ chế chỉ định thầu, lãnh đạo TP HCM thông tin được điều chỉnh từ chỉ định thầu tất cả gói thầu của dự án thành chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư. Cơ chế này chỉ áp dụng giai đoạn 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cho rằng, thách thức lớn nhất để dự án đạt tiến độ và chất lượng chính là công tác giải phóng mặt bằng, do dự án đi qua nhiều khu vực có mật độ đô thị hóa cao, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, thời gian thực hiện ngắn.
So với đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM có kinh phí hỗ trợ, bồi thường tái định cư lớn hơn rất nhiều dù số dân bị ảnh hưởng ít hơn.
Đường vành đai 3 TP HCM dự kiến đi qua các khu vực quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, các đầu mối giao thông lớn. Vì vậy, việc tận dụng quỹ đất dọc hai bên đường để đấu giá cũng là vấn đề lớn các địa phương đặc biệt quan tâm.
Với dự án này, TP HCM dự kiến khai thác, bán đấu giá khoảng 514 ha đất nông nghiệp để thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.
Đồng Nai tính bán đấu giá khoảng 214 ha, thu hồi khoảng 4.332 tỷ đồng. Bình Dương và Long An cũng đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác.
Song song với quá trình xây dựng dự án, các địa phương sẽ thực hiện thủ tục liên quan như điều chỉnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng kết nối, đấu giá khai thác quỹ đất.
TP HCM và các tỉnh thống nhất kiến nghị Quốc hội cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Lãnh đạo TP HCM khẳng định ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, địa phương này sẽ phối hợp với ba tỉnh còn lại trình Chính phủ ban hành nghị quyết để triển khai, trong đó bao gồm nội dung tổ chức thực hiện chỉ định thầu.
Đường vành đai 3 TP HCM có chiều dài khoảng 76 km đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự án được đầu tư xây dựng với 4 làn xe, đường song hành mỗi bên 2 - 3 làn xe.
Với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng, phần chi bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa liên quan dự án là 41.589 tỷ đồng.