Một huyện sắp lên quận của Hà Nội chuẩn bị chi hơn 400 tỷ xây khu đấu giá 22 ha trên Vành đai 3

Dự kiến vào tháng 1 năm tới, Đông Anh sẽ triển khi thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất A1 tại xã Tiên Dương. Khu đất này có diện tích hơn 22 ha, tiếp giáp vành đai 3 ở phía bắc, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh vừa lập báo cáo liên quan đến dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất A1 tại xã Tiên Dương. Dự án này được HĐND huyện Đông Anh phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 7/2018.

Khu đấu giá A1 có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 22 ha, thuộc địa phận xã Tiên Dương. Phía bắc dự án giáp tuyến đường Vành đai 3; phía nam và phía tây giáp khu dân cư và đất nông nghiệp Thôn Cổ Dương; phía đông giáp đất nông nghiệp thôn Lương Nỗ.

Vị trí khu đất đấu giá nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có cao độ nền hiện trạng tương đối cao và tương đối bằng phẳng.

Khu đất dự án hiện nay có khoảng 18,2 ha là đất nông nghiệp (trong đó 14 ha là đất trồng lúa 2 vụ); đất mặt nước chiếm hơn 1,9 ha; đất quốc phòng an ninh là 7.533 m2; đất dân cư hiện trạng là 2.804 m2; đất giao thông chiếm hơn 0,9 ha; đất nghĩa trang 547 m2.

Đất mặt nước tại dự án chủ yếu là các kênh mương tưới tiêu nội đồng; đất quốc phòng an ninh hiện đang là đất trống.

Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát thực tế về hiện trạng tài sản trên đất thuộc dự án, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến là gần 22,07 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 14,04 ha, số tiền tạm tính cho hoạt động GPMB khoảng 148,5 tỷ đồng.

Giai đoạn đầu tư, quy mô dân số của dự án này sẽ là 6.164 người, các hạng mục chính bao gồm giải phóng mặt bằng, san nền; xây dựng các tuyến đường giao thông theo quy hoạch trong khu vực và đường nội bộ, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng; hệ thống thoát nước, cấp nước, phòng cháy chữa cháy, cấp điện, thông tin liên lạc.  

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí 8,3 ha xây dựng đất ở, trong đó có 2,3 ha xây nhà liền kề, đất ở làng xóm và 6 ha đất ở cao tầng. Đất đơn vị ở (bao gồm cây xanh, trường mầm non, đất công cộng) sẽ chiếm hơn 17 ha; còn lại là đất giao thông, bãi đỗ xe, đường nội bộ...

Đất công cộng đơn vị ở sẽ bao gồm 3 lô ký hiệu CC1, CC2 và CC3, mật độ xây dựng 40%, cao 5 tầng. Đất xây trường mầm non có 2 lô, mật độ xây dựng 40%, cao 3 tầng. 

Đất ở liền kề tại dự án sẽ có khoảng 24 lô, mật độ xây dựng khoảng 89 - 100%, chiều cao cho phép 5 tầng. Bên cạnh đó, dự án sẽ có 6 lô đất xây nhà ở xã hội cao tầng, mật độ xây dựng trung bình 28,8%, chiều cao tối đa 9 - 12 tầng.  

Về quy hoạch giao thông, phía bắc khu đất đấu giá là đường vành đai 3 -  tuyến đường trục chính đô thị có bề rộng mặt cắt ngang 68 m.

Hệ thống đường khu vực gồm: Tuyến đường chính khu vực chạy theo hướng đông - tây có bề rộng mặt cắt ngang 30 m, bao gồm 4 làn xe. Tuyến đường chính khu vực chạy theo hướng bắc - nam có bề rộng mặt cắt ngang 25 m, bao gồm 4 làn xe. Tuyến đường khu vực phía tây và phía đông khu đất có bề rộng mặt cắt ngang 20,5 m bao gồm 3 làn xe.

Hệ thống đường nội bộ gồm: Tuyến đường phân khu vực phía đông làng Cổ Dương, có bề rộng mặt cắt ngang 14 m, hai làn xe. Tuyến đường phân khu vực phía bắc làng Cổ Dương có mặt cắt ngang 13 m bao gồm 2 làn xe.

Nút giao thông giữa đường chính khu vực theo hướng bắc - nam và đường Vành đai 3 sẽ bố trí cầu vượt trực thông, các nút giao còn lại thiết kế cùng mức. 

Về tiến độ, dự kiến đến tháng 12 năm nay, Đông Anh sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng khu đất. Từ tháng 1/2024 bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành đưa vào khai thác vào tháng 6/2025. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 439 tỷ đồng.

Đất đấu giá Đông Anh có dấu hiệu "vượt đáy"

Một khu đất đấu giá ở Đông Anh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Đông Anh từng là địa phương thu ngân sách từ đấu giá đất cao nhất Hà Nội. Theo UBND huyện Đông Anh, tính đến giữa tháng 11/2022, địa phương này đã tổ chức thành công 21 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 36.401 m2 (tương ứng 324 thửa), thu về cho ngân sách nhà nước của huyện gần 1.800 tỷ đồng.

Đầu tháng 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua chủ trương thành lập quận Đông Anh trên cơ sở giữ nguyên trạng 185,68 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người hiện có. Dự kiến trong quý IV, đề án sẽ được hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ.

Sau thông tin chốt lên quận hồi tháng 7, thị trường đất đất đấu giá Đông Anh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Chia sẻ với người viết, ông Lê Đình Chung - Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay: “Theo quan sát của tôi, nhìn chung những diễn biến ở thị trường đất nền Đông Anh là chưa tích cực lắm, song đã có dấu hiệu vượt đáy ở loại hình đất đấu giá. 

Minh chứng cho sự vượt đáy này chính là việc các sản phẩm đã xuất hiện lại giao dịch, đà giảm giá dừng lại và không còn hiện tượng giảm sâu, giá bắt đầu nhích lên và tâm lý nhà đầu tư có sự thay đổi. 

Trong quý III, những lô đất đấu giá ở khu vực xung quanh trung tâm Hà Nội, có mức giá quanh ngưỡng 2 tỷ đồng đang được đón nhận tích cực. Ở các thị trường ven đô, tỷ lệ hấp thụ đạt 70 - 90%. Mức giá trúng cao hơn 10 - 30% giá khởi điểm, có nơi tăng 50%. Ngay sau khi đấu giá xong có diễn ra việc mua đi bán lại ngay, song thay vì ghi nhận mức chênh lệch lớn như trước kia thì bây giờ giá có thể chênh nhẹ 20 - 50 triệu đồng/nền.

Qua nghiên cứu thị trường của VARS trong quý III, cùng với quyết định lên quận, đất đấu giá tại Đông Anh đã ghi nhận mức trúng lên tới 100 triệu đồng/m2, gần gấp đôi giá khởi điểm và dẫn dắt đà tăng giá cho cả khu vực”.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.