Đất đấu giá Hà Nội 'đắt như tôm tươi' những ngày cuối năm

Trong 1 tháng trở lại đây, nhiều phiên chợ đất ở các quận, huyện tại Hà Nội liên tục được săn đón. Không thiếu trường hợp nhà đầu tư sang ngay lãi ngay hàng trăm triệu, cũng không ít người ra về "hai tay hai thửa". Theo chuyên gia, một số dự báo thị trường ấm lên vào năm 2024 đã phần nào kích thích tâm lý nhà đầu tư, song cũng không loại trừ những chiêu trò đẩy giá đất...

Sôi động những phiên "chợ đất" Hà Nội

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, cơ hội đầu tư bị thu hẹp, nhiều phiên đấu giá đất ở một số địa phương đã không còn hấp dẫn người dân địa phương lẫn nhà đầu tư.  

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của nhiều môi giới địa ốc, trong quá trình làm việc với các khách hàng, những người có nhu cầu thực về bất động sản vẫn chuộng đất đấu giá và sẵn sàng trả mức cao hơn so với giá đất bán trong dân. Lý do bởi đây là quỹ đất sạch, được Nhà nước bảo đảm pháp lý, không lo vướng quy hoạch và tránh được những rủi ro về dài hạn.

Tại Hà Nội - khu vực có nhu cầu mua bất động sản duy trì ở mức cao, thời gian qua những phiên đấu giá đất tại các quận, huyện ghi nhận sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. 

Quang cảnh bên ngoài một phiên đấu giá đất tại Hà Nội trong tháng 11 (Ảnh: Di Anh).

Tại huyện Mê Linh, trong vòng chưa đầy một tuần, địa phương này đã tổ chức thành công 2 phiên đấu giá đất ở xã Thanh Lâm và xã Tam Đồng, ước tính tổng số tiền thu về đạt khoảng 41,5 tỷ đồng.

Trong đó, sáng 27/11, 10/14 lô đất tại điểm X1, X2 thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm được đấu giá thành công với giá trúng 25,9 - 31,5 triệu/m2 (cao hơn 1 - 1,4 triệu/m2 so với giá khởi điểm). Tổng số tiền thu về đạt gần 20,5 tỷ đồng (cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Còn ngày 24/11, 6 lô đất tại điểm X1, xứ đồng Làng Gàn, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng cũng được đấu giá thành công. Giá trúng dao động 22,2 - 32,6 triệu/m2, thu về ngân sách hơn 21 tỷ đồng.

quận Cầu Giấy, ngày 22/11, phiên đấu giá quyền sử dụng đối với 14 thửa đất ở tại phường Dịch Vọng và phường Trung Hòa đã ghi nhận giá trúng cao nhất đạt mức 283 triệu/m2, tức hơn 43 tỷ đồng đối với thửa đất rộng 153 m2. 

Ngoài ra, còn nhiều thửa đất khác cũng được nhà đầu tư trả giá ở ngưỡng cao. Đa số các thửa ở khu đất đấu giá ngõ 87 phố Nguyễn Thị Định được đấu trúng ở mức 205 - 232 triệu/m2, mức cao nhất đạt 282,1 triệu/m2. Một thửa ở ô đất D18 khu đô thị mới Cầu Giấy có giá trúng 215 triệu/m2. Một thửa ở ngõ 39 phố Tú Mỡ có giá trúng 218,1 triệu/m2. 

Đây là phiên đấu giá đất hiếm hoi có quỹ đất thuộc khu vực nội thành Hà Nội. Do đó, mặc dù giá khởi điểm ở ngưỡng cao, khoảng 159 - 248 triệu/m2, song vẫn thu hút cả người dân địa phương lẫn nhiều nhà đầu tư từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng,... về tham gia.  

Trước đó không lâu, ngày 11/11, huyện Đông Anh cũng đấu giá thành công hàng chục thửa đất tại khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà. Trong đó, giá trúng cao nhất 38,3 triệu/m2; giá trúng thấp nhất 32,3 triệu/m2.

Sau khi kết thúc phiên đấu giá, một số thửa đất đã được chính chủ rao bán ngay với mức chênh từ 150 - 200 triệu/thửa so với giá trúng. Thậm chí, thửa LK4-02 nằm sát lô góc (là thửa LK4-01) được một nhà đầu tư địa phương tên H. rao chênh 200 triệu (tức hơn 3,4 tỷ đồng) và hứa hẹn trả phí hoa hồng 15% cho môi giới nào bán thành công thửa đất. 

Tại huyện Thanh Trì, phiên đấu giá quyền sử dụng 30 thửa đất thuộc khu đấu giá đất số 1, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp sáng 2/11 xuất hiện không ít nhà đầu tư ra về “hai tay hai thửa”.

Song, thay vì ghi nhận giá trúng ở mức cao thì tại phiên đấu giá này, nhiều thửa đất được đấu trúng ở mức giá chỉ tăng nhẹ 100.000 đồng/m2 so với giá khởi, thậm chí có trường hợp bằng giá sàn...

Phiên đấu giá 14 thửa đất ở quận Cầu Giấy sáng 22/11 có giá trúng cao nhất 283,2 triệu/m2 (Ảnh: Di Anh).

Không loại trừ hiện tượng đẩy giá  

Khảo sát mới đây do Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate thực hiện vào tháng 9 và 10 cho thấy nhu cầu mua bất động sản ở Thủ đô đang hiện hữu và duy trì ở mức cao.

Cụ thể, trong số 1.400 người tham gia khảo sát trong 2 tháng qua về nhu cầu mua bất động sản ở Hà Nội cho thấy, 63% người phản hồi có nhu cầu và có thể cân nhắc mua bất động sản, trong số đó 72% khách hàng có dự định mua vào 1 - 2 năm tới. Đất nền là loại hình được người mua quan tâm nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 48%. 

Trao đổi với người viết, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về cơ bản, giá bất động sản sau khi neo ở mức cao trong thời gian dài thì giai đoạn qua đã đồng loạt đi xuống. Đà giảm giá diễn ra ở cả các tỉnh lẻ lẫn những thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM. 

Tuy nhiên sau đó, việc nhận được những thông tin về khả năng quay lại của dòng tiền và một số dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm lên vào năm 2024 đã phần nào kích thích tâm lý nhà đầu tư. 

“Hà Nội là nơi dân cư tập trung đông đúc, nhà ở cung không đủ cầu, theo đó nhu cầu về bất động sản cũng cao hơn nhiều địa phương khác. Khu vực này có nhiều người mua thực và cũng thu hút lượng lớn nhà đầu tư sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, thậm chí cả những nhà đầu cơ lớn về nằm vùng.

Không loại trừ khả năng trong những phiên đấu giá đất, có thể một số người đã dùng biện pháp đẩy giá, bằng cách trả giá thật cao nhưng chưa chắc mua.

Lý do bởi những người này có đất đai, tài sản ở xung quanh các khu đất được đem ra đấu giá, bằng cách này họ có thể tiếp tục giữ giá tài sản của mình và thậm chí đẩy giá bán cao lên. Theo luật hiện hành, người trúng đấu giá nhưng sau đó không mua tài sản thì cũng chỉ mất khoản tiền đặt cọc”, ông Thịnh cho hay. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.