Hoàn thiện luật nhằm chống 'quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá tài sản

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023.

Chính phủ họp chuyên đề pháp luật tháng 7/2023.

Tại Phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến 08 nội dung quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân, gồm: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản; (2) Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (3) Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (4) Đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (5) Đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (6) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; (7) Báo cáo đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và (8) Báo cáo đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.

Chống "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản

Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản, Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ với các yêu cầu sau:

- Nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.

- Tổng kết kỹ lưỡng việc thi hành Luật đấu giá tài sản năm 2016, thuyết minh rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ lưỡng cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể.

- Rà soát dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các Bộ luật, Luật hiện hành và các dự án Luật đang được Chính phủ trình Quốc hội như: Bộ luật dân sự, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật cạnh tranh, Luật tần số vô tuyến điện, Luật giá (sửa đổi), Luật hợp tác xã (sửa đổi), Luật khoáng sản, Luật xử lý vi phạm hành chính, dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

- Quy định của dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, các cơ quan trung ương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm thi hành pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu giá.

- Trình tự, thủ tục đấu giá phải bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, quy trình thực hiện đấu giá, đẩy mạnh áp dụng đấu giá trực tuyến.

- Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu giá, cuộc đấu giá nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hành vi vi phạm quyền của chủ sở hữu tài sản, người tham gia đấu giá, các biểu hiện "quân xanh, quân đỏ" và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

- Rà soát các quy định về đấu giá các tài sản đặc thù (như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số xe...), bảo đảm nguyên tắc các quy định của Luật đấu giá tài sản về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, các vấn đề trước và sau khi đấu giá như: giám định tài sản đấu giá, định giá, xác định giá khởi điểm, điều kiện của người tham gia đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá, ký hợp đồng mua bán, nộp tiền trúng đấu giá, bàn giao tài sản đấu giá... thực hiện theo quy định của Luật chuyên ngành; nghiên cứu việc đấu giá một số tài sản đặc thù khác như quyền khai thác đường cao tốc, cổ phần của Nhà nước, mua bán nợ...; nghiên cứu xây dựng quy định chung về đấu giá các tài sản đặc thù để bảo đảm sự ổn định, hiệu lực lâu dài của Luật, có cơ sở để xử lý khi phát sinh các loại tài sản đặc thù khác trong thực tiễn.

Về Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với 03 nội dung chính sách, gồm: (1) Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; (2) Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; (3) Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ với một số yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống mua bán người; tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên quan về phòng, chống mua bán người; rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các Bộ luật, Luật liên quan như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật trợ giúp pháp lý... và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nghiên cứu bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

- Tăng cường phân cấp, quy định rõ trách nhiệm, bảo đảm phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở. Bổ sung quy định về công tác phòng ngừa; đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hoạt động mua bán người.

Đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

Về Đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với 07 nhóm chính sách, gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (2) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (3) Hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt; (4) Hoàn thiện quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt; (5) Hoàn thiện quy định về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt; (6) Hoàn thiện quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt; (7) Hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ với các yêu cầu sau:

- Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng phù hợp xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

- Đối với chính sách, giải pháp liên quan đến bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất với các luật liên quan.

- Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

- Đối với các chính sách, giải pháp khác về đối tượng không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt..., cần căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định này, bám sát Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm giải pháp đề xuất có tính khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc, thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan...

Nghiên cứu thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 5%

Về Đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với 05 nhóm chính sách, gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; (2) Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng; (3) Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; (4) Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; (5) Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ với các yêu cầu sau:

- Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm minh bạch, công bằng, góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

- Nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để thu hẹp hơn nữa phạm vi áp dụng nhằm bảo đảm tính liên hoàn của sắc thuế này, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế. Đối với một số giải pháp sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (như ban hành Danh mục về sản phẩm tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu; tỷ lệ nguồn vốn khác trong hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân; hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích...) cần bổ sung cơ sở thuyết phục; giải pháp đề xuất bảo đảm minh bạch, khả thi, quản lý thu thuế được chặt chẽ.

- Nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá tính thuế và khấu trừ thuế giá trị gia tăng (như giá đất được trừ, định mức đối với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...) trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý, thống nhất với các luật chuyên ngành liên quan, bảo đảm tính ổn định của Luật.

- Nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo hướng giữ mức thuế suất theo quy định hiện hành; tiếp tục nghiên cứu thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 5% nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các hoạt động kinh doanh, minh bạch; kế thừa quy định hiện hành về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu và quy định cụ thể các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

- Nghiên cứu chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để có đề xuất giải pháp phù hợp, bảo đảm nguyên tắc xử lý thống nhất về khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng, phù hợp với pháp luật có liên quan (như quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư...); tiếp tục rà soát quy định về hoàn thuế tại Luật thuế giá trị gia tăng cùng với rà soát quy định về thủ tục, hồ sơ hoàn thuế tại pháp luật về quản lý thuế, trường hợp cần thiết, kịp thời có giải pháp sửa đổi pháp luật về quản lý thuế phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, rõ ràng về trách nhiệm và xử lý vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.