Tiền trong dân mua bất động sản vẫn nhiều?

Dòng tiền nhàn rỗi của người dân bắt đầu rục rịch quay lại đầu tư vào địa ốc, những giao dịch "tiền tươi thóc thật" ngày càng gia tăng.

Tiền gửi của người dân đang tăng trưởng

Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố số liệu về tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng. Theo đó, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cả người dân lẫn tổ chức kinh tế đều tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 8. 

Riêng tiền gửi của dân cư đạt 6,43 triệu tỷ đồng, nhích thêm 43.700 tỷ đồng so với tháng 7. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm, tiền gửi của người dân vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 9,68% so với cuối năm 2022. Có thể thấy, lượng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn còn nhiều. 

Số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư (Nguồn: Minh Quang tổng hợp từ SBV). 

Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Cấp cao chi nhánh Hà Nội, CBRE Việt Nam, sự dịch chuyển của mặt bằng lãi suất đã phần nào giúp thị trường bất động sản quý III xuất hiện dấu hiệu phục hồi và dự kiến quý IV cũng có chuyển biến cải thiện, dù nhìn chung tình hình cả năm vẫn khá khó khăn 

Chuyên gia này cho biết lãi suất hiện đã trở về mức đầu năm 2022, đồng thời lượng tiền gửi ngân hàng khoảng 1 năm trước (khi lãi suất cao) cũng đến thời điểm đáo hạn. Do đó, giai đoạn này khá phù hợp đầu tư và phát triển kinh doanh.

Còn nhớ trước đó, tại một sự kiện diễn ra hồi quý II, TS. Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng FERI từng thông tin năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng (lượng tiền gửi quý IV/2022 chiếm tỷ trọng 46%). Trong số gần 900.000 tỷ đồng lượng tiền gửi ròng cả năm ngoái, cá nhân đóng góp hơn 565.000 tỷ đồng (chiếm 65%).

Thời điểm đó, chuyên gia này đã nhận định cuối năm 2023 (lúc lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn) sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. 

“Hai kịch bản có thể xảy ra. Một là, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. 

Hai là, lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền rẻ này có thể quay trở lại thị trường. Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm.

Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản”, ông Khôi cho hay.

Nhiều giao dịch "tiền tươi thóc thật"

Tính đến đầu tháng 11, theo đánh giá thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), dòng tiền nhàn rỗi trong dân, dù chưa nhiều, song đã bắt đầu rục rịch quay trở lại đầu tư vào bất động sản. 

Lý do là bởi trước những thông tin tích cực hơn từ thị trường, lực cầu đã được cải thiện. Người mua có nhiều sự lựa chọn khi nguồn cung đa dạng hơn do được bổ sung các sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư, từ tài sản đảm bảo là bất động sản do Ngân hàng phát mãi,.... Chưa kể lãi suất cũng được điều chỉnh giảm rõ rệt tiệm cận về mức đầu năm 2022. 

Đơn cử như với phân khúc đất nền, thông tin từ lực lượng môi giới là hội viên của VARS cho biết đã có nhiều hơn các nhà đầu tư tìm kiếm dòng sản phẩm này ở khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, có tốc độ đô thị hóa cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. 

Trong khi đó, với dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự trên 5 tỷ đồng, mức giá đã đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay thì hiện tại đã được nhà đầu tư chấp nhận xuống tiền, bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Dòng tiền nhàn rỗi trong dân, dù chưa nhiều, song đã bắt đầu rục rịch quay trở lại đầu tư vào BĐS (Ảnh: Di Anh).

Với loại hình đất đấu giá, theo ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes, phân khúc này đã có dấu hiệu vượt đáy từ quý III. Minh chứng là các sản phẩm đã xuất hiện lại giao dịch, đà giảm giá dừng lại và không còn hiện tượng giảm sâu, giá bắt đầu nhích lên và tâm lý nhà đầu tư cũng có sự thay đổi. 

“Trong quý III, những lô đất đấu giá ở khu vực xung quanh trung tâm Hà Nội, có mức giá quanh ngưỡng 2 tỷ đồng đang được đón nhận tích cực. Ở các thị trường ven đô, tỷ lệ hấp thụ đạt 70 - 90%. Mức giá trúng cao hơn 10 - 30% giá khởi điểm, có nơi tăng 50%. 

Ngay sau khi đấu giá xong có diễn ra việc mua đi bán lại ngay, song thay vì ghi nhận mức chênh lệch lớn như trước kia thì bây giờ giá có thể chênh nhẹ 20 - 50 triệu đồng/nền”, ông Chung nói.

Sang quý IV, phân khúc đất đấu giá vẫn đang tiếp tục có nhiều diễn biến tích cực. Theo ghi nhận của người viết, một số phiên “chợ đất” diễn ra tại Hà Nội gần đây đã thu hút lượng lớn người dân địa phương, môi giới lẫn nhà đầu tư ngoại tỉnh quan tâm. 

Đơn cử như ngày 29/10, quận Hà Đông đã đấu giá thành công 20 thửa đất tại khu xứ đồng Sen, phường Vạn Phúc, trong đó giá trúng cao nhất được ghi nhận ở mức 168,9 triệu đồng/m2, giá thấp nhất 100,1 triệu đồng/m2. Số tiền địa phương thu về đạt hơn 151,4 tỷ đồng, tăng gần 53,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm. 

Ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá, đã xuất hiện trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận sang tay thành công cho người khác, chốt lời 350 triệu đồng chỉ trong một buổi sáng. 

Đến ngày 2/11, huyện Thanh Trì cũng đấu giá thành công nhiều thửa đất tại khu đấu giá đất số 1, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp. Trong đó, một số thửa có giá trúng chỉ tăng nhẹ 100.000 đồng/m2 so với giá khởi điểm, thậm chí có trường hợp bằng giá sàn, nhiều nhà đầu tư đấu trúng một lúc 2 thửa đất.

Sau phiên đấu giá, có nhà đầu tư rao bán luôn thửa đất với mức chênh 400 triệu đồng so với giá trúng, nhưng cũng có trường hợp chưa có nhu cầu bán, muốn “ủ” đất đợi ngày tăng giá.

Ngày 11/11, hàng chục thửa đất tại khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh cũng tìm được chủ nhân. Trong đó, giá trúng cao nhất 38,3 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất 32,3 triệu đồng/m2. Khoảng 1/5 số thửa đất ghi nhận giá trúng trên 36 triệu đồng/m2.

Ngoài những người trực tiếp tham gia buổi đấu giá trong hội trường kín thì ở phía ngoài cổng Trung tâm chính trị huyện Đông Anh cũng có nhiều người dân và môi giới chờ đợi để theo dõi tình hình...

Quang cảnh bên ngoài cổng Trung tâm chính trị huyện Đông Anh trong phiên đấu giá đất ngày 11/11 (Ảnh: Di Anh).   

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, hiện nay loại hình đất đấu giá đang tồn tại một cái khó là phải “chạy” theo giá thị trường. Các công ty tổ chức đấu giá và địa phương phải tham chiếu với mặt bằng chung của giá đất địa phương, do đó cũng không thể đưa ra mức giá khởi điểm quá thấp. 

Song, chuyên gia cho rằng sự cao thấp về giá của loại hình bất động sản này là do quy luật thị trường chung điều tiết, chúng ta cũng không nên lo lắng quá hay can thiệp vào. Nếu cung nhiều thì cầu ắt sẽ giảm. Còn ở hiện tại, nguồn cung khan hiếm trong khi lượng cầu cao thì đương nhiên sẽ lên giá, người dân phải đưa ra giá cao để trúng.

"Riêng với thị trường Hà Nội, có một câu nói vui là “đắt bán chơi, rẻ để đấy”. Khu vực này thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, có tiềm lực, họ không vội vàng bán bất động sản nếu thấy chưa được giá. Đây cũng là điều khác biệt so với thị trường bất động sản ở TP HCM”, ông Điệp bổ sung.