Suất đầu tư đường vành đai 4 Hà Nội cao hơn vành đai 3 TP HCM khoảng 1,2 lần

Đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội chiều dài gần 113 km, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ việc cùng quy mô đầu tư, nhưng tuyến vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội lại có suất đầu tư cao gấp 1,2 lần đường vành đai 3 TP HCM

 Phối cảnh đường vành đai 4 Hà Nội. (Ảnh: Báo Đầu Tư)

Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội chiều dài gần 113 km, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2028.

Thông tin từ Zing, về chủ trương đầu tư dự án này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ việc cùng quy mô đầu tư, nhưng tuyến vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội lại có suất đầu tư cao gấp 1,2 lần đường vành đai 3 TP HCM. Do vậy, cơ quan này kiến nghị xem xét lại việc tính toán phương án tài chính của hai dự án.

Theo tính toán của Chính phủ, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có mức đầu tư 513 tỷ đồng/km, còn đường vành đai 3 TP HCM là 442 tỷ đồng/km.

Cả hai dự án này đều có cùng có quy mô 4 làn cao tốc, và lưu lượng phương tiện của dự án vành đai 4 dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Chính phủ cần phải làm rõ sự cần thiết phải đầu tư phần đường song hành hai bên đường vành đai và đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống đường song hành trong  thu phí đường cao tốc. Do việc kết nối liên vùng đã được đảm bảo nhờ việc tuyến cao tốc chủ yếu đi trên cao, không ảnh hưởng nhiều tới mạng lưới giao thông hiện trạng.

Việc đầu tư hai tuyến song hành, theo Kiểm toán Nhà nước, sẽ ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án.

Đối với tổng mức đầu tư dự án, dự án thành phần 3 có chiều dài tuyến bao gồm cả đường, cầu cạn, nút giao, cầu, hầm, trạm thu phí lớn hơn tổng chiều dài tuyến đường (dài hơn khoảng 12,6 km cầu cạn), tương đương với giá trị 4.487 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc tính khối lượng cầu cạn sang cầu vượt dòng chảy làm tăng vốn hơn 549 tỷ đồng; việc xác định khối lượng cầu vượt đúc hẫng nhịp cũng làm tăng vốn hơn 494 tỷ đồng.

Về chi phí giải phóng mặt bằng, Chính phủ xác định tổng giá trị cho công việc này là hơn 19.500 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc toàn bộ số hộ bị mất đất ở nằm trong diện tái định cư làm tăng chi phí hỗ trợ thuê nhà, chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Về phương án thiết kế sơ bộ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tính toán, so sánh với giải pháp sử dụng giải phân cách cứng giống như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Việc này sẽ tiết kiệm được diện tích sử dụng đất khoảng 11 ha đất nông nghiệp, giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm thời gian thi công và chi phí bảo trì.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, mặt cắt ngang của các đoạn đi thấp trong giai đoạn phân kỳ đang thiết kế dốc 2 mái mà chưa nghiên cứu thiết kế dốc 1 mái để giảm chi phí bê tông nhựa bù vênh. Kiểm toán Nhà nước cho rằng nếu thiết kế dốc 1 mái sẽ tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hà Nội rà soát lại phương án thiết kế sơ bộ để lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án.

Để đúng tiến độ, Chính phủ cần đưa ra mốc thời hạn hoàn thành từng nội dung của dự án và các bên tham gia thực hiện dự án phải cam kết thực hiện đúng thời hạn, theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu giãn tiến độ một năm với dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Theo đó, dự án cơ bản hoàn thành vào 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Đường vành đai 4 Hà Nội có điểm đầu tại km3 + 695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và điểm cuối tại Km40 + 500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Ngoài ra, có 9,7 km đường nối từ cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.