Cả nước đang triển khai gần 2.000 km cao tốc, cuối năm khởi công tuyến Bắc Nam giai đoạn 2

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tổng chiều dài toàn bộ tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km, tới nay đã hoàn thành 1.290 km. Vào tháng 11, 12 năm nay sẽ khởi công tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025.

Chiều ngày 9/6, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000 km.

Bộ Chính trị đã xác định tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 phải được hoàn thành, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bố trí cho cao tốc với tổng nguồn lực 339.000 tỷ đồng.

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các dự án lớn sau: Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km; tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này 5 tuyến cao tốc dài 549 km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km; tới nay đã hoàn thành 1.290 km. Cả các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác và đang triển khai có 3.222 km cao tốc.

Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong ba năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023. Trong đó năm 2022 phấn đấu hoàn thành 361 km.

 Toàn bộ 729 km cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 sẽ được khởi công vào cuối năm 2022. (Đồ họa: Alex Chu).

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù. Toàn bộ 729 km sẽ được khởi công vào cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Các tuyến còn lại là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6/2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.

Vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

Phó Thủ tướng cho biết Quốc hội đã phân bổ 339.000 tỷ đồng, đủ điều kiện triển khai dứt điểm các công trình cao tốc trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư dự án cũng được rút ngắn 1-2 năm, trước đây triển khai ba năm thì tới đây chỉ triển khai trong một năm.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định tới đây nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị thay thế ngay. Các ban quản lý dự án cũng phải chủ động phải tháo gỡ vướng mắc khó khăn thì mới bảo đảm được tiến độ của dự án.

Trước đó, một số đại biểu trong phiên chất vấn đã bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của việc triển khai đồng loạt gần 2.000 km cao tốc chỉ trong giai đoạn 2021-2025. 

Đại biểu đoàn Thái Bình Nguyễn Văn Thân chất vấn ba dự án trọng điểm quốc gia mà Quốc hội giao là đến hết 31/12/2025 là cơ bản hoành thành. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện bao nhiêu phần trăm của dự án thì gọi là cơ bản hoàn thành?

Về vấn đề này, ông Thể giải thích đến thời điểm đó, những đoạn đường bình thường, về cơ bản sẽ được thảm nhựa toàn bộ và hoàn thành. Còn một số đoạn phải xử lý nền đất yếu, xử lý kéo dài, không đủ thời gian để thảm nhựa, nếu thảm sớm thì sẽ hỏng.

Trả lời đại biểu đoàn Đắk Nông Dương Khắc Mai về giải pháp đảm bảo tiến độ dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định việc chậm trễ hiện nay và chậm trước đây là khác nhau.

Trước đây, các dự án bố trí nhỏ giọt, có khi là 5 năm thì kéo dài 7-8 năm, "thi công hoài không xong". Hiện, Luật Đầu tư công mới đã đảm bảo bố trí đủ tiền cho dự án từ khi Quốc hội hoặc Chính phủ biểu quyết. Yếu tố làm chậm dự án chỉ còn là khâu tổ chức thực hiện và ảnh hưởng thời tiết, địa chất....

"Vốn đã có thì sẽ cố gắng thanh toán đủ. Thời gian đã có thì cố gắng bám sát, kịp thời giải quyết vướng mắc để khắc phục tình trạng chậm tiến độ. Chúng tôi có niềm tin từ nay về sau vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ", Bộ trưởng Thể khẳng định.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.