Sẽ thu hồi chênh lệch địa tô từ hai dự án vành đai 3 và 4

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phải phát triển hai tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.

Tại phiên thảo luận ngày 10/6 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề về đầu tư hai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM.

Bộ trưởng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP HCM.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quốc hội).

Ông Dũng cho biết thêm, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển.

Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.

Về quy mô dự án, ông Dũng thông tin, đối với vành đai 4 vùng Thủ đô, quy mô quy hoạch là 6 làn xe và vành đai 3 TP HCM 8 làn xe. 

Lý giải về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, ông Dũng cho hay, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông.

Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước.

Hiện vành đai 4 vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, còn vành đai 3 TP HCM thì chưa. Đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, nếu trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó, do đó đã chuyển sang đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ cũng làm rõ nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước... 

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.

Theo ông Vân, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.