Doanh nghiệp đầu tư dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội của CII hút 550 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Doanh nghiệp nhóm CII vừa huy động vốn từ trái phiếu là CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội, đơn vị đầu tư dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội tại TP HCM.

Dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội giai đoạn 2. (Ảnh: CII). 

CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội vừa phát hành lô trái phiếu với khối lượng 5.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu/tp, huy động được 550 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành vào ngày 7/2 và hoàn tất trong cùng ngày. 

Kỳ hạn trái phiếu là 117 tháng, ngày đáo hạn là ngày 7/11/2033. Lãi suất trái phiếu thuộc loại lãi kết hợp, lãi suất phát hành là 10,1%/năm. Các nội dung khác về trái phiếu không được doanh nghiệp công bố. 

Công ty Xa lộ Hà Nội là một công ty con của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) và hoạt động chính là đầu tư dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội. 

Cuối tháng 1 vừa qua, CII đã hoàn tất đợt chào bán trái phiếu ra công chúng với số tiền thu được là hơn 2.800 tỷ đồng, trong đó 550 tỷ đồng được dùng để đầu tư vào lô trái phiếu nói trên của Công ty Xa Lộ Hà Nội theo phương án sử dụng vốn mà CII đã công bố. 

Trên thực tế, việc chỉ rót 550 tỷ đồng vào trái phiếu của Công ty Xa Lộ Hà Nội này đã thay đổi so với phương án được phê duyệt của CII là 1.640 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong năm 2023, Công ty Xa Lộ Hà Nội đã được Vietcombank cấp vốn gần 2.400 tỷ đồng với thời hạn 7 năm, khiến nhu cầu phát hành trái phiếu của đơn vị này giảm sút. 

Việc thay đổi phương án sử dụng vốn này đã được CII công bố từ đầu tháng 1 và dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua. Song, kỳ họp lần 1 tổ chức ngày 30/1 tổ chức không thành công do không đủ số cổ đông tham dự. Kỳ họp lần 2 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 27/2 tới đây. 

Bên cạnh trái phiếu của Công ty Xa Lộ Hà Nội, CII cũng trích 1.200 tỷ đồng từ số vốn trên để đầu tư trái phiếu của một đơn vị khác là Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận - chủ đầu tư dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 2 qua tỉnh Ninh Thuận (Ninh Thuận 2) với tổng mức đầu tư 2.111 tỷ đồng.

Phương án sử dụng vốn này không thay đổi so với phương án đã được phê duyệt.

Lô trái phiếu này của BOT tỉnh Ninh Thuận đã hoàn tất phát hành vào ngày 29/1. Tương tự lô trái phiếu của Công ty Xa Lộ Hà Nội, trái phiếu của BOT tỉnh Ninh Thuận cũng có kỳ hạn 117 tháng, sẽ đáo hạn vào ngày 29/10/2033; lãi suất thuộc loại lãi kết hợp, lãi suất phát hành là 10,5%. 

Ngoài các lô trái phiếu nói trên, theo phương án phát hành trái phiếu mà CII dự kiến trình cổ đông thông qua vào ngày 27/2 tới, công ty cũng dự kiến phát hành một lô trái phiếu khác với giá trị gần 1.592 tỷ đồng.

Số vốn huy động được từ lô trái phiếu tiếp theo này dự kiến được sử dụng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do hai đơn vị thành viên sắp phát hành là Công ty Xa lộ Hà Nội (số tiền đầu tư 450 tỷ đồng) và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (số tiền đầu tư gần 1.142 tỷ đồng).  

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.