Giao Gia Lai nghiên cứu làm cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 56.000 tỷ đồng

Dự án ao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài khoảng 160 km, được nghiên cứu ưu tiên đầu tư theo phương thức BOT hoặc đối tác công tư PPP, mục tiêu thực hiện ngay trong nhiệm kỳ này.

Tại thông báo kết luận mới đây, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương thức BOT hoặc đối tác công tư PPP để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội tham gia, mục tiêu đầu tư ngay trong nhiệm kỳ này.

Tỉnh Gia Lai có trách nhiệm thống nhất với các cơ quan, đề xuất cơ quan có thẩm quyền (đối với trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư), báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Kết luận trên được đưa ra sau khi tỉnh Gia Lai đề nghị bố trí vốn đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giúp tỉnh tìm đối tác để sớm triển khai đầu tư trước năm 2030.

Hướng tuyến dự kiến của cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. (Ảnh: Google Maps).

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định, các nhà đầu tư… trong quá trình tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.

Về tuyến cao tốc này, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) mới đây đặt vấn đề với tỉnh Gia Lai về nghiên cứu dự án.

Đây là doanh nghiệp được thành lập bởi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và CTCP Cơ điện lạnh (REE).

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết vừa qua, khi tỉnh Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Bình Định đề xuất Chính phủ sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, VIID đã có văn bản và làm việc với tỉnh Gia Lai đề xuất được nghiên cứu, đề xuất một số dự án trên địa bàn, trong đó có dự án cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hình thức đầu tư phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và pháp luật khác.

Từ năm 2020, ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum đã ký kết tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.

Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km, quy mô 4 làn xe với kinh phí đầu tư dự kiến 56.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu tư nút giao với quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku.

Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn nếu sớm triển khai sẽ tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; giữa Gia Lai với các tỉnh Kon Tum, Bình Định. Khi hình thành, tuyến sẽ tạo thành trục Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với biển Đông.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.