99 km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang chậm tiến độ có kịp hoàn thành trong năm nay?

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là một trong 4 đoạn thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, hiện đang chậm 3,8% tiến độ thi công.

Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải về dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 cho biết, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6 đạt khoảng 23.544 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% so với kế hoạch.

Trong 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022 với tổng chiều dài 361 km, đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (dài 63,4 km) có sản lượng thực hiện đến nay đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các đoạn Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đều chậm tiến độ.

Theo Cổng TTĐT Bình Thuận, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết Đặng Hùng Thái cho biết khối lượng thực hiện dự án đạt 46,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 3,8% so với kế hoạch.

 

Thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. (Ảnh: Khải An).

Khối lượng thi công của một số hạng mục chính như đắp nền đường đạt 5,23/6,84 triệu m3, đạt 76,5%; đào đá nền đường đã hoàn thành 0,74/0,96 triệu m3, đạt 77,03%, dự kiến hoàn thành trước tháng 8 tới; móng cấp phối đá dăm đã hoàn thành 39,11/96,64 km, đạt 40,5%; móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đã hoàn thành 33,04/96,64 km, đạt 34,2%.

Theo ông Thái, nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thi công dự án là do mùa mưa năm nay đến sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021; một số nhà thầu thiếu hụt tài chính nên chưa huy động đủ thiết bị, vật tư cho thi công; mặt khác, giá vật liệu xây dựng cao hơn so với chỉ số trượt giá của địa phương công bố nên nhà thầu thi công cầm chừng chờ xem xét điều chỉnh giá.

Nếu mùa mưa kéo dài hơn so với các năm trước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai thi công, đặc biệt là công tác thi công nền đường. Bên cạnh đó, khối lượng thi công công trình còn rất lớn, nhất là thi công phần móng và mặt đường, nếu nhà thầu không chuẩn bị tốt về tài chính thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long theo dõi việc huy động, tổ chức thi công của các nhà thầu, nếu nhà thầu nào không thực hiện đúng cam kết thì kiên quyết xử lý theo quy định hợp đồng, trong đó chủ động bổ sung thầu phụ có năng lực để thi công đẩy nhanh tiến độ công trình.

Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính cùng với Ban Quản lý dự án xây dựng kế hoạch huy động thiết bị, nhân lực hoàn chỉnh các mũi thi công hiện có và bổ sung thêm các dây chuyền mới, song song với đó là thi công tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ.

Ban Quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các nhà thầu rà soát, xây dựng lại tiến độ và ký cam kết hoàn thành công trình trong năm 2022. Bên cạnh đó là theo dõi chặt chẽ tiến độ thi công của nhà thầu; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định hợp đồng.

Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận dài 47,67 km và tỉnh Đồng Nai dài 51,33 km.

Tổng diện tích thu hồi 784,89 ha, đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Công trình được khởi công xây dựng tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Dự án được chia làm 4 gói thầu xây lắp, trong giai đoạn 1 xây dựng theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 25 m, với 6 nút giao và 65 cầu, tổng mức đầu tư là hơn 12.577 tỷ đồng.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.