Kết hợp hệ thống cao tốc, sân bay, cảng biển sẽ tạo đột phá cho Đồng bằng sông Cửu Long

Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá sau nhiệm kỳ này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bổ sung cảng Trần Đề, xây dựng hàng trăm cao tốc, nâng cấp ba sân bay

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 tổ chức tại TP Cần Thơ sáng 21/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải của vùng trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và nhận thấy giao thông của vùng hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn. Mặc dù Trung ương đã rất tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông, vẫn chưa đạt được yêu cầu.

Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021-2025, trong mấy tháng vừa qua, Bộ đã tập trung để điều chỉnh quy hoạch giao thông, trong đó xác định giao thông vận tải đóng góp gì cho khu vực, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này để phát triển.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km thông xe vào hồi tháng 1 là tuyến cao tốc thứ hai hoàn thành tại miền Tây. (Ảnh: Zing).

Nêu một số điểm đột phá về giao thông đã và sẽ triển khai trong thời gian tới, về đường biển, tư lệnh ngành giao thông cho biết đã bổ sung cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), xem như là cửa ngõ chính của vùng miền Tây, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, ba sân bay đang được nghiên cứu để nâng cấp là Phú Quốc, Cà Mau và Rạch Giá.

Về đường bộ, ông Thể đánh giá là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần kết nối cảng biển với trung tâm TP Cần Thơ.

Bộ trưởng cho biết xác định có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.

Ông Thể cho biết thêm, hiện nay, cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc và đang triển khai 30 km nữa. Như vậy, trong những năm qua triển khai được 120 km mà mới đạt được 90 km. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông vận tải bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau.

Một tuyến cao tốc quan trọng nữa là An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá. Nếu đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km hiện nay đang triển khai thì sẽ có 500 km đường cao tốc.

Xác định cao tốc cần kết nối với phát triển kinh tế, do đó Bộ trưởng nhận định điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối với cảng Trần Đề. Từ Cảng Trần Đề, tàu 100.000 tấn chỉ cách TP Cần Thơ 60 km.

Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, người đứng đầu ngành giao thông đánh giá sau nhiệm kỳ này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp.

Chủ động sống chung với lũ, ngập mặn, phát triển hành lang đô thị công nghiệp 

Chia sẻ về định hướng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới để mở ra cơ hội phát triển mới, định hình các giá trị mới cho vùng

Theo Bộ trưởng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định nhiều đột phá chiến lược.

Trước hết là phát triển vùng theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.

Thứ hai là việc biến thách thức thành cơ hội, "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn"; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ.

Tư lệnh ngành cũng nhắc đến đột phá về thay đổi tư duy an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phù hợp với thị trường.

Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Cũng theo ông Dũng, đột phá chiến lược khác nằm ở kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ thông qua hai trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP HCM với Cần Thơ trong tương lai, phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang.

Mục tiêu là đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập tới vấn đề tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP HCM và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền, sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.

 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.