Đèo Cả: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ vài năm nữa sẽ quá tải nếu không mở rộng

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết lưu lượng xe qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên tới 50.000 xe/ngày đêm, chỉ vài năm nữa sẽ quá tải nếu không sớm mở rộng giai đoạn 2.

Thi công cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó do địa chất yếu

Chia sẻ tại hội thảo “Xóa trắng cao tốc - phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Thanh Niên tổ chức hôm nay, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông cho biết khó khăn lớn nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long địa chất nền đất yếu.

Mỗi năm vùng này lún trung bình 1 cm, cá biệt một số khu vực lún tới 5 - 7 cm/năm. Ông Đông cho rằng đây là thách thức rất lớn, xây dựng công trình qua nền địa đất yếu tốn rất nhiều thời gian, tăng tổng mức đầu tư, kém hiệu quả.

Khó khăn nữa là tình trạng khan hiếm vật liệu, ngoài cát, đất đá cũng rất khan hiếm. Vì chỉ một số vùng đủ vật liệu như cát ở Đồng Tháp, đá ở An Giang, Đồng Nai, cự ly vận dài nên việc vận chuyển vật liệu ra các vùng lớn phát sinh nhiều chi phí. Từ nay tới năm 2025 xây dựng thêm 400 - 500 km cao tốc nữa thì áp lực vật liệu rất lớn, dẫn đến tình trạng khan hiếm.

Bên cạnh đó, hạn mặn xâm nhập gây khó khăn, các địa phương buộc phải xây dựng đập ngăn mặn cũng ảnh hưởng tới vận chuyển vật liệu, kéo dài tiến độ dự án.

Ngoài ra, hệ thống kênh rạch chằng chịt của Đồng bằng sông Cửu Long được xem lợi thế của vùng, nhưng lại là hạn chế với xây dựng công trình do phải trung chuyển vận chuyển vật liệu từ tàu lớn sang tàu nhỏ, ảnh hưởng tiến độ.

Nơi nhập làn xe tại điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện hữu, tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, thị xã Cai Lậy. Đây cũng là điểm đầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Zing).

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ quá tải nếu không mở rộng trong vài năm tới

Theo lãnh đạo Đèo Cả, kinh nghiệm thực hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận với tình trạng địa chất yếu, giải pháp là mời các chuyên gia đầu ngành đưa ra biện pháp xử lý tối ưu và phù hợp. Dự án có tới 40 km phải xử lý gia tải, kéo dài 2 - 3 tháng so với thời gian thiết kế, cá biệt có đoạn kéo dài tới 10 tháng, nhiều hơn so với dự đoán.

Các giải pháp như xi măng giếng cát, bơm hút chân không, gia tải..., nhưng dự án nào cũng phát sinh chi phí và kéo dài thời gian thực hiện.

Phó Chủ tịch Đèo Cả cho biết dù có nhiều biện pháp xử lý nền đất yếu trước khi thi công, nhưng sau khi hoàn thành hiện tượng lún vẫn có, vì thế phải quan trắc công trình sau khi hoàn thành, thiết kế sẵn các hiện tượng sụt lún công trình.

Ngoài ra, địa phương cần quy hoạch sẵn nguồn vật liệu, ưu tiên cho các dự án cao tốc. Tăng cường kiểm soát giá vật liệu trong khu vực, tránh tình trạng nhà cung cấp tăng giá vật liệu vô lý. Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần thông báo giá vật liệu riêng cho cao tốc, vì hiện nay chỉ thông báo đơn giá chung, không sát.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 51 km theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bố trí điểm dừng khẩn cấp, có nhiều sự cố về vận hành. Khi xảy ra sự cố giao thông trên tuyến, mất nhiều thời gian xử lý, gây ùn tắc, giảm hiệu quả khai thác.

“Lưu lượng xe tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 23.000 xe/ngày đêm, ngày lễ Tết là 50.000 xe/ngày đêm, đầy tải. Vài năm tới sẽ không đáp ứng được yêu cầu, cần triển khai giai đoạn 2", ông Đông nhận định.

Ngoài các ra, với các dự án cao tốc phải xác định luôn vị trí các trạm dừng nghỉ, ví dụ như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có trạm dừng kỹ thuật nên rất nhiều xe dừng giữa đường do hết xăng hoặc tài xế buồn ngủ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thông xe vào hồi đầu năm phục vụ người dân lưu thông dịp Tết nguyên đán, chính thức được khánh thành vào tháng 4 vừa qua.

Tuyến dài 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang, điểm đầu tuyến đường tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP HCM – Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30.

Hiện cao tốc chưa có làn khẩn cấp, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn gồm hai làn dừng khẩn cấp hai bên.

Công trình giúp giảm tải cho quốc lộ 1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP HCM và ngược lại từ 3 tiếng còn 1 tiếng 45 phút. 

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.