Thông tin trên được Vụ Kế hoạch Đầu tư - Bộ Giao thông vận tải nêu tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Danh Huy cho biết năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.
Tính đến nay, Bộ đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.
Dự kiến, đến hết tháng 6 này, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng giao, gồm 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tuyến tránh quốc lộ 1A qua Cà Mau, tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột...
Giai đoạn 2021 - 2025, ngành giao thông dự kiến đầu tư xây dựng 66 dự án mới (bổ sung hai dự án nối thông đường Hồ Chí Minh mới có chủ trương bổ sung danh mục trung hạn). Hiện đã có chủ trương đầu tư 53/66 dự án, gồm 4 dự án quan trọng quốc gia; 3/9 dự án nhóm A và 46/53 dự án nhóm B, C; chưa quyết định chủ trương đầu tư 13/66 dự án, gồm 6 dự án nhóm A và 7 dự án nhóm B, C.
Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.
Bộ đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ bản 721,8/723,7 km (99,7%) và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 672,5/723,7 km (đạt 92,9%); phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng 6/6 dự án; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường toàn bộ 12/12 dự án; đang khẩn trương thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.