Trình Thủ tướng duyệt cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 16.000 tỷ đồng do liên danh Đèo Cả đề xuất

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo hình thức đối tác công tư.

Liên danh các nhà đầu tư được đề xuất tham gia dự án là Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung. Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, dự án giảm tổng vốn để thu hút các nhà đầu tư.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có điểm đầu tại Km60+100 (trùng với điểm cuối Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú) tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương), giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Hướng tuyến dự kiến của cao tốc Dầu Giây- Liên Khương. (Ảnh: Thanh Niên).

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 66 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km; đi qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (qua các huyện Đạ Huai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc).

Dự án được phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu từ nay đến 2025 nền đường tối thiểu 13,5 m với hai làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh từ 2025 đến 2035 nền đường rộng 22 m với bốn làn ôtô và hai làn dừng khẩn cấp.

Dự kiến tổng diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 455 ha, trong đó diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha, gồm 123,37 ha rừng tự nhiên và 69.85 ha rừng trồng.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ là 16.220 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.460 tỷ đồng; vốn huy động khác là 8.260 tỷ đồng.

Dự án thu phí hoàn vốn trong vòng 23 năm 4 tháng với mức phí khởi điểm là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn. 

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, dài 208 km, quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030.

Tuyến cao tốc này chia ra ba dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường khi hoạt động sẽ gỡ được nút thắt điểm đen kẹt xe và tai nạn qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho quốc lộ 20. Khi dự án toàn tuyến hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.

chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".