Hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km cao tốc

Hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc trong 8 năm tới hứa hẹn mở ra không gian phát triển mới cho nhiều địa phương, là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng liên kết vùng cũng như mở ra khát vọng “đại lộ sinh đại phú”.

Hệ thống đường bộ cao tốc đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Với ưu điểm năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, các tuyến cao tốc được ví như sợi dây liên kết các vùng miền, các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay quốc tế,… tạo động lực và sức lan tỏa phát triển kinh tế.

Ở nước ta, các địa phương có cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Điều đó cho thấy phát triển đường bộ cao tốc là một phần tất yếu trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Năm 2025 hoàn thành tuyến cao tốc “xương sống” Bắc - Nam

Sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên là TP HCM – Trung Lương, đến nay, cả nước có khoảng 1.200 km đường cao tốc, bình quân 74 km/năm, chưa đạt mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng 2.000 km đường cao tốc đến năm 2020 theo Nghị quyết 13-NQ/TW.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội XIII của Đảng thông qua, xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km.

Được xem là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới, việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, tuyến đường này mới đưa vào khai thác được 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa được đầu tư, nên chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả khai thác.

Thi công gói thầu thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào tháng 12 tới. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Vào tháng 11/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã quyết nghị chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, chia thành 8 dự án đầu tư công, ba dự án đầu tư theo hình thức PPP.

5 năm sau, tháng 1/2022, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, chia thành các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km).

Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, dự kiến khởi công đồng loạt trong năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

Bên cạnh trục xương sống đường bộ cao tốc Bắc Nam, vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư ba tuyến cao tốc trọng điểm phía Nam dài 360 km với tổng vốn đầu tư hơn 84.000 tỷ đồng gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Cả ba dự án được chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đang xúc tiến để hoàn thiện thủ tục, trình duyệt đầu tư các cao tốc như Bắc Kạn – Cao Bằng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Bắc Ninh – Phả Lại, Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang, Chơn Thành - Đắk Nông, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP HCM – Mộc Bài, Dầu Giây - Tân Phú, An Hữu - Cao Lãnh,…

Trong năm 2022 có hàng loạt cao tốc đã và sắp được hoàn thành. Vào tháng 1, đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn - công trình đầu tiên trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 về đích sau 24 tháng thi công.

Cao tốc La Sơn - Hòa Liên đã thông xe vào tháng 4. (Ảnh: Chu Lai).

Đến tháng 4, hai cao tốc La Sơn - Hòa Liên nối Huế với Đà Nẵng và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông tuyến. Trong khi đó, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2022.

Dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào khai thác 4 đoạn cao tốc Bắc Nam gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km.

Đa dạng hóa các nguồn vốn và phương thức đầu tư

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cần khoảng 350.936 tỷ đồng (Ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 395.670 tỷ đồng (Ngân sách Nhà nước 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng).

Việc đầu tư các tuyến cao tốc sẽ áp dụng đa dạng hình thức như đầu tư công và nhượng quyền thu phí, huy động các nguồn lực theo hình thức PPP, kết hợp đầu tư công và PPP,…

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được bố trí gần 72.500 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng số vốn NSTW dự kiến bố trí cho dự án này là 119.645 tỷ đồng.

Ngoài ra, các dự án khác như tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề... dự kiến cũng được bố trí nguồn vốn từ gói phục hồi kinh tế.

Lịch sử phát triển của đường bộ cao tốc Việt Nam là một hành trình bắt đầu muộn, khởi động chưa nhanh và giờ đây đang tăng tốc về đích để hoàn thành thêm gần 4.000 km trong 8 năm tiếp theo.

Bức tranh hệ thống giao thông đường bộ cao tốc đang dần được vẽ lên hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho nhiều địa phương, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước và mở ra khát vọng “đại lộ sinh đại phú” như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.