Sau hơn 6 tháng lập hồ sơ dự án, Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư 12 đoạn thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Các dự án sẽ được giải phóng mặt bằng và khởi công trước ngày 31/12.
Quyết định này được ban hành sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.
Đây là dấu mốc quan trọng, cho thấy dự án kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chuyển sang khâu giải phóng mặt bằng, triển khai thi công.
Theo quyết định được phê duyệt, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính.
Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.
Con số này đã được thay đổi so với tổng chiều dài 729 km, tổng mức đầu tư sơ bộ ước khoảng 146.990 tỷ đồng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thông qua.
Với dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Kho bạc Nhà nước cho biết đã giải ngân hơn 28% vốn kế hoạch năm 2022 được giao (hơn 20.256 tỷ đồng), tương đương 28,3%.
Ngày 13/7, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cùng Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn thuộc đường vành đai 3 TP HCM.
Cầu Nhơn Trạch và đường dẫn có tổng mức đầu tư hơn 1.813 tỷ đồng, từ vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo thiết kế, công trình rộng 19,75 m, dài 2.040 m, đường dẫn hai bên cầu 560 m; thực hiện hợp đồng trong vòng 35 tháng. Nhà thầu thi công là Kumho Engineering & Construction Co., Ltd sẽ khởi công ngay khi UBND TP HCM và UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng.
Dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,22 km, đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 6,3 km và 1,92 km đi qua địa bàn TP. HCM. Tổng mức đầu tư hơn 6.950 tỷ đồng.
Chiều ngày 12/7, tại tỉnh Thái Bình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đi kiểm tra thực địa hướng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng và làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị triển khai, đề xuất hướng tuyến cao tốc này.
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng ngay trong năm 2022.
Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hình thức hợp đồng BOT.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến tuyến cao tốc dài 79 km, trong đó có 18 km đi qua Ninh Bình, 32,7 km qua Thái Bình, 28,7 km qua Nam Định và còn lại qua Hải Phòng.
Ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp các dự án đang triển khai tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đưa ra các mốc tiến độ quan trọng cho nhà ga T3.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và UBND TP HCM tiến hành khởi công nhà ga hành khách T3 trong quý III năm nay sau khi nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thành đồng bộ đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9/2024.
Về việc xử lý tài sản là 12 ụ bê tông xi măng trong phạm vi dải lăn của đường lăn W11A, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng lập dự án và triển khai đầu tư xây dựng các ụ bê tông xi măng mới theo quy định của pháp luật (cân nhắc việc sử dụng chung cho quân sự và dân dụng, phù hợp với nhu cầu).
ACV cho biết, công tác chuẩn bị đã hoàn tất để sẵn sàng khởi công dự án trong quý III tới.
Năm 2020, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết tình trạng quá tải sân bay này.
Theo đó, nhà ga hành khách T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.
Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt danh mục dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành số 1, số 2 , số 3 các hãng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mục tiêu đầu tư là xây dựng và khai thác 3 trung tâm điều hành của các hãng hàng không phục vụ giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự kiến quy mô sử dụng đất như sau: Trung tâm số 1 có diện tích 2,1 ha, trung tâm số 2 gần 1,8 ha và trung tâm số 3 hơn 1,8 ha. Mức đầu tư mỗi dự án khoảng 246 tỷ động, tổng ba dự án khoảng 738 tỷ đồng.
Tại thông báo kết luận mới đây về dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện dự án với mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2025.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7 về việc giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý triển khai đồng thời các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị thủ tục đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất dự án khẩn trương chỉ đạo tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền trong tháng 8 để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 9 tới.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 140 km, quy mô quy hoạch 6 làn xe nhưng theo sơ bộ tính toán trường hợp phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đã được Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận giao liên danh Vingroup - Techcombank chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP.
Tại Kỳ họp thứ 9 khóa XVII, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường trục Đông - Tây.
Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương có tờ trình đề nghị tăng đề nghị tăng vốn hơn 279 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư trước đây của dự án đường trục Đông - Tây, trong đó chi phí xây dựng tăng hơn 172,9 tỷ đồng, nâng tổng vốn dự án lên hơn 1.788 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh, chi phí đầu tư tăng lên do khái toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng so với thời điểm lập, giá bồi thường đất ở tăng; thay đổi khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng, bổ sung xây dựng khu tái định cư phục vụ di dời một số hộ dân,...
Trục đường Đông - Tây có chiều dài 36,5 km, quy hoạch 4 đến 6 làn xe, quy mô đường cấp III, thực hiện từ nay đến năm 2024.
Công trình khi hoàn thành là tuyến giao thông chính liên kết các vùng huyện phía nam của tỉnh Hải Dương và huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Tuyến đường cũng sẽ kết nối các trục giao thông đối ngoại quan trọng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38B, quốc lộ 37 với mạng lưới đường tỉnh 393, 391, 396, 392B...
Tại cuộc họp ngày 12/7 với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, tiến độ thi công của dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trên tổng thể vẫn đang bám kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong từng gói thầu có những hạng mục đạt, hạng mục chậm.
Gói thầu XL-01 (Liên danh CTCP ĐTXD và kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Tổng công ty 319-BQP) thi công đạt 45 %, so với kế hoạch chậm 1,4%. Chậm chủ yếu ở phần đường, đoạn của Công ty Nhạc Sơn thực hiện, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã có văn bản cảnh cáo. Công ty VNCN cũng chậm trong quá trình thi công phần cầu.
Gói thầu XL-02 (Liên danh Tổng công ty XD Trường Sơn - CTCP Tập đoàn CIENCO4) thi công, sản lượng đạt 46%, chậm 4,1% so với kế hoạch.
Gói XL-03 (Liên danh CTCP ĐTXD Đèo Cả - CTCP Xây dựng Tân Nam - Tổng Công ty 36 - CTCP) thi công đạt gần 45%, chậm 3,2% so với kế hoạch. Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản cảnh cáo nhà thầu là Tổng công ty 36 về chậm thi công phần đường.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cho biết địa phương đang xử lý dứt điểm công tác GPMB. Tuy nhiên, do địa bàn qua khu vực thành phố nên việc đền bù có khó khăn. Hiện căng nhất là tại nút giao 80, tỉnh dự kiến cuối tháng 7 sẽ bàn giao cho Ban quản lý dự án.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m; giai đoạn 2, xây dựng 6 làn xe cao tốc, nền đường 32 m, được khởi công tháng 1/2021, với mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào khai thác vào tháng 4/2023.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa chủ trì hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đến năm 2040.
Phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng gồm, trung tâm của khu du lịch quốc gia Sa Pa (diện tích khoảng 6.090 ha), trong đó có đô thị du lịch Sa Pa (diện tích 5.525 ha) và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian (khoảng 565 ha); 4 phân khu du lịch thuộc thị xã Sa Pa được kết nối với trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van – Séo Mý Tỷ và Thanh Bình).
Về định hướng phát triển, dự án được tư vấn đề xuất cấu trúc không gian tổng thể gồm 3 hành lang, 1 trung tâm (khu vực đô thị lịch sử Sa Pa có giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan) và 4 vệ tinh (Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Ngũ Chỉ Sơn).
Trong đó, 3 hành lang gồm hành lang đông – tây gắn với quốc lộ 4D kết nối trung tâm Sa Pa với TP Lào Cai, cửa khẩu Hà Khẩu, Lai Châu, hình thành các khu đô thị, trung tâm dịch vụ du lịch của Khu du lịch Sa Pa, chủ yếu cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Cùng với đó là hành lang bắc - nam gắn với quốc lộ 4D, tỉnh lộ 155, 152,152B kết nối huyện Bát Xát, Bảo Thắng, sân bay Sa Pa, hình thành các trung tâm nông thôn, phát triển nông lâm ngư nghiệp, dịch vụ sinh thái cộng đồng; hành lang đông – tây gắn với tỉnh lộ 152 tăng cường kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đây là cửa ngõ của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, phát triển nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái.
Quy hoạch 07:44 | 02/11/2024
Quy hoạch 08:20 | 05/10/2024
Quy hoạch 06:45 | 02/10/2024
Quy hoạch 19:00 | 24/09/2024
Quy hoạch 11:41 | 21/09/2024
Quy hoạch 13:53 | 18/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 08/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 07/09/2024