UBTVQH thông qua chủ trương chuyển đổi đất rừng, đất lúa làm cao tốc Bắc-Nam

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo nền tảng quan trọng cho dự án về đích đúng hẹn.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết. (Ảnh: Quochoi.vn).

Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 13. Ngay sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của Chính phủ trình UBTVQH tại phiên họp sáng nay, Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường vào đầu năm nay (Nghị quyết 44/2022/QH15).

Theo đó Nghị quyết 44 xác định Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định là 5.481 ha; trong đó đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha.

Cũng bởi số liệu vào thời điểm đó mới chỉ là "tạm tính" nên tại Nghị quyết 44/2022/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của Dự án, trình UBTVQH.

Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đúng tiến độ đề ra; đồng thời bảo đảm giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giữ được sinh kế cho người dân và giảm tối đa tác động đến môi trường.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp nhu cầu sử dụng đất từ các địa phương có Dự án đi qua và tiến hành thẩm định. Kết quả cho thấy có chênh lệch về số liệu (theo hướng tăng lên) so với Nghị quyết 44/2022/QH15.

Theo báo cáo của Chính phủ, diện tích đất lâm nghiệp tăng so với diện tích đất rừng tại Nghị quyết số 44 là 317,94 ha (gồm đất rừng phòng hộ tăng là 28,10 ha, đất rừng sản xuất là 285,23 ha và đất rừng đặc dụng tăng là 4,61 ha). Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 5,23 ha.

"Nguyên nhân thay đổi diện tích đất lâm nghiệp, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là do trong bước nghiên cứu tiền khả thi Dự án được tính toán trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi. Hiện nay, số liệu đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất đã được UBND các tỉnh đo đạc, thống kê, tổng hợp trên cơ sở hướng tuyến nên độ chính xác cao hơn", báo cáo cho biết.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, so với hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi, trong bước nghiên cứu khả thi, hướng tuyến đã điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm kinh tế-kỹ thuật. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cơ bản không thay đổi nhiều về số liệu chiếm dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án. Đồng thời, khu vực tuyến cao tốc đi qua chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chỉ phân bố tại một số vị trí cục bộ, chiếm diện tích rất nhỏ (39,83 ha/1054,63 ha tổng diện tích rừng đề nghị thu hồi) và đây là khu vực bìa rừng nên chủ yếu là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng ở mức nghèo kiệt.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Đức Tuân).

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, đặt ra mục tiêu là đến năm 2025 có 3.000 km cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc.

"So với yêu cầu, mục tiêu Đại hội đề ra thì đây là nhiệm vụ rất lớn", Phó Thủ tướng nói. Trong 20 năm qua, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta mới hoàn thành được hơn 1.000 km – con số quá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Bình quân trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2015-2020) chúng ta hoàn thành 487 km cao tốc thì từ nay đến năm 2025, phải xây dựng khoảng 2.000 km cao tốc.

"Chúng tôi cảm ơn Quốc hội, UBTVQH đã tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 12/2021 và ban hành Nghị quyết 43, 44", Phó Thủ tướng bày tỏ. Hai Nghị quyết này tạo cơ chế thông thoáng để có thể rút ngắn các thủ tục đầu tư (thủ tục đầu tư sẽ rút ngắn từ 1-2 năm, trước đây triển khai 2-3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm). Quốc hội đã bố trí nguồn lực trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dành cho tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2 với yêu cầu đặt ra là trong năm 2022-2023 phải giải ngân xong.

Theo Phó Thủ tướng, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 để triển khai, phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và xây dựng các mốc tiến độ rất cụ thể để thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 729 km cao tốc (Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2). Thời gian qua, các bộ, địa phương đã vào cuộc khẩn trương, tổ chức thực hiện các công việc để làm sao đến tháng 12/2022 khởi công Dự án.

Phó Thủ tướng đề nghị UBTVQH phê duyệt Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT phê duyệt được dự án đầu tư. Nếu chưa có dự án đầu tư thì các địa phương chưa triển khai được, Phó Thủ tướng nói. Chỉ khi phê duyệt dự án đầu tư thì các địa phương mới có tiền lập dự án giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT mới có cơ sở triển khai các công tác về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu xây dựng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Trên cơ sở Nghị quyết của UBTVQH, Bộ GTVT phê duyệt được dự án đầu tư. (Ảnh VGP/Đức Tuân).

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

100% ủy viên UBTVQH tại phiên họp đã biểu quyết nhất trí thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên như tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, chuyển đổi hơn 1.054 ha đất rừng, hơn 1.863 ha đất lâm nghiệp, hơn 1.537 ha đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên.

UBTVQH giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng.

Đồng thời, các tỉnh phải giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh (nếu có).

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.