UBTVQH xem xét đề xuất chuyển hơn 2.500 ha đất rừng và lúa làm cao tốc Bắc - Nam

Riêng diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054 ha, trong đó gần 112 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng và gần 803 ha rừng sản xuất.

Tại phiên họp thứ 13 khai mạc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.  

Đất rừng, đất lúa bị chiếm dụng tăng 

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào đầu năm nay, đi qua 12 tỉnh thành với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ 5.481 ha. Trong đó, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. 

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất tổng hợp từ các địa phương và sau khi thẩm định có biến động. 

Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp tăng thêm 317,94 ha; đất trồng lúa từ hai vụ trở lên tăng thêm 5,23 ha. 

Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của dự án. 

Theo đó, diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054 ha, bao gồm gần 112 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng và gần 803 ha rừng sản xuất. Diện tích đất trồng lúa nước là gần 1.722 ha. 

Diện tích đất lâm nghiệp dự kiến là 1.864 ha, gồm đất rừng phòng hộ khoảng 138 ha; đất rừng đặc dụng 4,61 ha và đất rừng sản xuất 1.721 ha.

  Đồ họa: Alex Chu. 

Toàn tuyến cao tốc Bắc Nam dài 2.063 km, trong đó đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Ngoài 729 km vừa được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư thì đoạn còn lại 27 km gồm Hòa Liên - Túy Loan sẽ được triển khai theo dự án riêng; cầu Cần Thơ 2 được đầu tư sau năm 2025.

Làm rõ nguyên nhân việc tăng diện tích   

Đầu tháng 7 vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp thẩm tra tờ trình của Chính phủ về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2. 

Các đại biểu đề nghị Chính phủ và bộ ngành giải trình rõ nguyên nhân của việc tăng diện tích đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất so với diện tích đã báo cáo và được Quốc hội quyết nghị. 

Cùng với đó, Ủy ban kiến nghị đánh giá thêm về sự phù hợp của hướng tuyến được xác định trong bước nghiên cứu khả thi so với các loại quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quy hoạch đất lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022. 

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh quan tâm đến chủ đầu tư và các bên liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý với diện tích đất lúa hai vụ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo an ninh lương thực; giải pháp để hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi thu hồi đất.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.